hóa Pháp
Những nhà thiết kế, các trí thức đương thời là người có công khởi xướng phong trào cải cách y phục và người thực hiện hoá những ý tưởng ấy không ai khác ngoài những người phụ nữ có tiếp xúc trực tiếp với văn hoá Pháp. Công đầu thuộc về các “me Tây” – những người phụ nữ Việt Nam có giao du thân mật với đàn ông Pháp hoặc có chồng Pháp. Chính vì tiếp xúc trực tiếp với người Pháp nên họ chính là nhưng người đầu tiên dùng những đồ dùng của đàn bà Tây phương và tất nhiên người hưởng ứng nhiệt liệt phong trào “ quần áo mới” không ai khác ngoài họ. Trong những năm đầu thập niên 1930, không khó để bắt gặp hình ảnh các cô vợ Tây với những bộ cánh rực rỡ hoặc thậm chí là trong suốt hoặc óng ánh của chiếc quần mỏng trên khắp các đường phố Hà Nội.
Nguyễn Công Hoan trong cuốn Nhớ và ghi chép về Hà Nội đã miêu tả lại lối ăn
mặc của các me Tây lúc bấy giờ : “Hạng người đặt ra mốt nọ mốt kia đầu tiên, là hạng vợ Tây. Con cái nhà tử tế bắt chước sau…Vợ Tây là hạng đầu tiên bỏ dép, và đi giày mũi nhọn, rồi giày cườm, bỏ nón quai thao và đội nón dứa (có lợp vải trắng, và diềm đăng ten); cạo răng trắng; mặc yếm đầm, có độn vú, đội khăn nhung, chải tóc để lưỡi trai ở phía gáy, rồi quấn tóc trần… Trời rét, dùng khăn tua thay khăn vuông, rồi khăn san, thứ khăn bằng tơ mỏng, dài, trùm đầu, để giỏ hai giọt dài; mặc áo màu xanh hoặc đỏ ở trong, lồng áo sa tây ra ngoài, rồi mặc áo dài lụa trắng, nhưng thắt lưng màu, để vạt áo sánh màu thắt lưng và cạp quần. Rồi quần trắng, áo lam, đến quần trắng, áo huyết dụ… Quần mỏng, áo mỏng, bỏ thắt lưng.” (Nguyễn Công Hoan, 2004)
Hưởng ứng phong trào ngoài ra còn có các cô gái nhảy, giới nghệ sĩ đời mới, giới phòng trà, hát ả đào… Đây là lớp người có tư tưởng thoáng, bắt kịp cái
mới rất nhanh đã đi tiên phong bất chấp dư luận, điều tiếng để khoác lên người những bộ cánh tân thời.
Sau sự thành công vang dội của mốt áo lam quần trắng thập niên 1920. Từ năm 1934, phong trào áo mới Lemur từ Hà Nội lan rộng ra các tỉnh khác trong nước. Không chỉ từ các me Tây và gái nhảy, các vị nữ thượng lưu thuộc tầng lớp
cao nhất của xã hội cũng hưởng ứng nhiệt liệt. Khi báo Phong Hoá tung ra các
mẫu thiết kế áo mới và áo dài Lemur, lập tức được sự đón nhận của lớp người mới có học thức gồm các cô nữ sinh xinh đẹp, các bà đốc học, các cô bác sĩ,
dược sĩ, y tá, giáo viên…thậm chí đến cả các tôn nữ hoàng tộc. Lớp người có tri
thức này, phần nhiều được giáo dục bởi các trường nữ sinh được mở bởi người Pháp, chịu ảnh hưởng bởi văn hoá phương Tây, thuộc tầng lớp nữ sinh mới được gọi là nữ sinh tân học.
Dù bị một số người phản đối, y phục tân thời, áo dài Lemur vẫn được phụ nữ tân tiến ở thành thị ba miền hưởng ứng. Được sự ủng hộ của các trí thức Tây học quyết liệt theo mới, mặc kệ “lời ong tiếng ve”, các bà các cô thấy quần áo mới đẹp và vẫn nô nức mặc theo. Một số chị em đã công khai đứng lên đáp trả
khi có những thành phần chỉ trích những kiểu áo mới. Phong hoá số 96 ra ngày
4/5/1934, trong Bức thư ngỏ cùng ông Thanh Lam của một người phụ nữ theo phong trào ủng hộ y phục mới đã có những lời đáp trả những bài viết phê phán
thiết kế Lemur trên tờ báo Loa: “Theo thiện ý tôi thì mấy kiểu áo mới của phụ
nữ mà hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường sáng nghĩ ra không có chỗ nào đáng chỉ trích hết. Nó chẳng những giữ được vẻ yểu điệu thướt tha của người con gái mà lại còn đẹp thêm bội phần… Vả lại bây giờ phụ nữ đã tiến bộ thì phương diện bộ y phục cũng nên đổi đi đôi chút cho hợp thời là hơn.” (Cô N.T.N, 1934)
Ở Hà Nội - nơi khởi đầu của y phục tân thời giai đoạn này, những người phụ nữ tri thức tiên phong có thể kể đến như cô Nguyễn Thị Hậu - người đầu tiên mặc áo dài Lemur, có ảnh trong cuốn đặc san ĐẸP 8/1934 (Hình 76) và Ngày Nay số 1 ngày 30/1/1935 (Hình 75). Sau này cô thành nữ Luật sư, rồi nữ Thị trưởng thành phố Đà Lạt. Hay Bà Đốc học Trịnh Thục Oanh (Hình 77), Hiệu
trưởng trường Thanh Quan, tức trường Hàng Cót - trường tiểu học cho nữ đầu
tiên của Hà Nội. Bà cũng là một trong những người đặt may áo dài Lemur và còn làm thêm một cuộc cải cách táo bạo hơn khi bà nhấn eo chiếc áo, ôm sát theo đường nét mỹ miều duyên dáng của phái nữ. Trong tạp chí Ngày Nay số đầu tiên ra ngày 30/1/1935 bà Oanh cũng đại diện cho phe chị em phụ nữ lúc ủng hộ trang phục tân thời đã có một bài phỏng vấn nói về thời trang. Và không thể kể đến nữ hoạ sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam Lê Thị Lựu (Hình 78). Bà cũng là một sinh viên xuất sắc tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Là một người phụ nữ thuộc tầng lớp tân tiến, tây học, lại là một nhà mỹ
thuật, bà đương nhiên cũng thuộc lớp phụ nữ tiên phong mặc những bộ cánh tân
Hình 76: Cô Nguyễn Thị Hậu trên Đặc san ĐẸP 1934
(Nguồn: V -Vintage Club)
Hình 75: Cô Nguyễn Thị Hậu
( Nguồn: Tạp chí Ngày Nay số 1)
Hình 78: Bà Lê Thị Lựu trong trang phục áo dài tân thời.
( Nguồn: Internet)
Hình 77: Bà Trịnh Thục Oanh
Sau này những bộ quần áo mới, đặc biệt là chiếc áo dài Lemur từ Hà Nội lan rộng từ Bắc vào Nam, đến cả Hoàng hậu Nam Phương cũng bày tỏ sự yêu thích và mặc áo dài Lemur như các phụ nữ tân thời trong nước. Y phục tân thời không dừng lại ở phạm trù thời trang mà còn chỉ một tầng lớp, một hạng người mới trong xã hội, được gọi là “cô tân thời”, “mợ tân thời” hay “gái tân thời”…
Có thể thấy, những người ủng hộ sự cải cách của trang phục giai đoạn này hầu hết đều là những người có tư tưởng tiến bộ, có tiếp xúc và ảnh hưởng trực tiếp từ nền văn hoá Pháp, vì thế sự tiếp nhận và thích nghi những cái mới, những nét văn hoá phương Tây đến với họ một cách dễ dàng từ đó ảnh hưởng lan toả đến những lớp phụ nữ có quan điểm và tư tưởng truyền thống hơn. Thậm chí, những lớp phụ nữ dẫn đầu phong trào y phục mới này còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả người thiết kế những bộ trang phục tân thời hay các nhà trí thức Tây học ủng hộ theo mới bởi suy cho cùng, sự lan toả của các mốt thời trang được biểu hiện trực tiếp bởi những người thể hiện nó, những người có sức ảnh hưởng. Một cô gái luôn yêu thích cái mới, yêu thích cái đẹp sẽ luôn bị hấp dẫn
khi thấy những phụ nữ xung quanh mình mặc một bộ trang phục với kiểu dáng
mới lạ, sành điệu, tôn lên những nét đẹp của cơ thể và khao khát được làm theo như cô Kếu (Bạch Nhạn) trong truyện ngắn Cô Kếu, gái tân thời của Nguyễn
Công Hoan : “Cô Bạch Nhạn buồn lắm vì cô cổ hủ hết cách. Ấy thế cũng mang
tiếng là con gái Hàng Đào! Các bạn cô, cô Bích Ngọc thì đã được mặc quần trắng và áo sáu khuy. Cô Song Khê đã được cạo răng trắng. Đến ngay như cô Mộng Lê, mà bà cụ cũng chịu để chị đánh phấn và mặc áo màu nữa là!...Ức nhất là quanh năm cô chỉ được mặc đồ thâm như người có trở, trông tối sầm như bà cụ” (Nguyễn Công Hoan, 1933)
Tuy nhiên lúc bấy giờ người dân Việt vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái tư tưởng hủ Nho thâm căn cố đế đã tồn tại hàng nghìn năm, không phải ai cũng có
can đảm thực hành và chịu trách nhiệm với những sự thay đổi đầy táo bạo ấy. Nhiều thiếu nữ, học sinh cũng muốn thay đổi quần áo nhưng vẫn chưa đủ dũng cảm mà chỉ dám e lệ bắt chước các me Tây hoặc thay đổi trong lén lút như cô Kếu mà thôi.
CHƯƠNG 4: GIÁ TRỊ BIẾN ĐỔI TRANG PHỤC PHỤ
NỮ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 1930 – 1945