Đa dạng hóa kênh huy động vốn: EMS cần xác định được nhu cầu về vốn để đáp ứng các hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT, đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, thường xuyên, liên tục. Thông qua việc xác định được nhu cầu về vốn, TCT có thể xây dựng được một cơ cấu vốn phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT, đa dạng hóa kênh huy động vốn để có thể sử dụng linh hoạt các nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể,
dựa trên những phân tích về cơ cấu nguồn vốn của EMS tại mục 3.3.1.2, có thể thấy hiện nay EMS đang có xu hướng tăng VCSH, vốn vay ngắn hạn và vốn chiếm dụng của người bán, giảm vốn vay dài hạn. Vào năm 2019, VCSH của EMS đạt 224.769 triệu đồng, tăng 19.341 triệu đồng so với năm 2017 và tăng 6.316 triệu đồng so với năm 2018. Nợ ngắn hạn của EMS cũng tăng qua các năm. Vào năm 2017, Nợ ngắn hạn của EMS là 260.894 triệu đồng, chiếm tỉ trọng 55,85% trong tổng nguồn vốn. Năm 2018, Nợ ngắn hạn của EMS đạt 339.508 triệu đồng, tăng 34.677 triệu đồng và đạt 374.185 triệu đồng vào năm 2019. Tương tự, tỉ trọng của Nợ ngắn hạn trong tổng nguồn vốn cũng tăng từ 60,76% vào năm 2018 lên 62,47% vào năm 2019. Giá trị Nợ dài hạn mặc dù tăng nhẹ vào năm 2018 so với năm 2017 nhưng đến năm 2019, giá trị Nợ dài hạn của EMS bằng 0. Tỉ trọng của Nợ phải trả người bán ngắn hạn của EMS trong Tổng nợ phải trả giai đoạn 2017-2019 đều cao, chiếm 33,12% vào năm 2017, 32,88% vào năm 2018 và chiếm 25,58% vào năm 2019. Việc phụ thuộc vào các nguồn vốn vay ngắn hạn và vốn chiếm dụng từ khoản nợ phải trả người bán có thể dẫn đến rủi ro tài chính khi các khoản nợ này đáo hạn. Để tăng nguồn tài trợ dài hạn của TCT, đồng thời tăng thêm tính chủ động trong kinh doanh, giảm thiểu rủi ro tài chính, trong thời gian tới, EMS cần có kế hoạch phát hành đợt cổ phiếu mới cũng như quan tâm đến việc tìm các nguồn tài trợ dài hạn khác như các khoản vay dài hạn trong điều kiện cho phép.