- Đối với việc nâng cao doanh thu:
+ EMS cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhanh chóng, đa dạng yêu cầu của khách hàng. Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, TCT cần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện đại hóa các sàn khai thác, đồng thời giúp khách
hàng thuận tiện hơn trong việc gửi hàng - nhận hàng, giám sát thời gian giao - nhận, kiểm tra vị trí kiện hàng,…. Hiện nay, EMS chưa xây dựng dịch vụ nhận tại nhà kiện hàng gửi đi. Đây đang và sẽ là một yếu tố giảm tính cạnh tranh của TCT trong lĩnh vực chuyển phát mà TCT cần nghiên cứu, xem xét để thực hiện.
+ EMS cần nghiên cứu, triển khai chính sách giá cả linh hoạt, như cơ chế chiết khấu, cơ chế giá cước dành riêng cho các đối tượng khách hàng lớn tiềm năng, khách hàng thường xuyên.
+ EMS cần nghiên cứu, xem xét hợp tác với các sàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu hiện nay như Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn và tiếp tục đẩy mạnh trên nền tảng số bán hàng trực tuyến Postmart do TCT Bưu điện Việt Nam nghiên cứu, tổ chức triển khai. Để tăng tính cạnh tranh của EMS so với các đối thủ đã có uy tín, thị phần ổn định trong lĩnh vực này, TCT cần nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian nhận hàng - giao hàng, có các hoạt động giảm giá theo mã vận chuyển tại một số thời điểm giảm giá, khuyến mại của sàn thương mại, website.
+ Tận dụng lợi thế là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Liên minh Bưu chính thế giới UPU cho phép quản lý và khai thác dịch vụ chuyển phát nhanh EMS, TCT cần đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, kinh doanh quốc tế, đẩy mạnh liên kết phục vụ khách hàng quốc tế. EMS cần tập trung nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức hợp tác và phát triển kinh doanh quốc tế (hợp tác đa phương trong khuôn khổ hoạt động của UPU, hợp tác đa phương theo khu vực, theo nhóm quốc gia, hợp tác song phương với các nhà khai thác EMS quốc tế,…), đồng thời tham gia và tổ chức các hoạt động quốc tế góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín thương hiệu của EMS trong mắt các đối tác nước ngoài.
- Đối với tài sản cố định: Hiện nay phần lớn tài sản cố định của EMS như kho bãi, dây chuyền khai thác, phương tiện vận tải đã cũ, thường xuyên xảy ra hỏng hóc. Dựa vào Bảng 4.1 dưới đây, có thể thấy: vào cuối năm 2019, giá trị còn lại sau khi trừ hao mòn lũy kế của tài sản cố định hữu hình của EMS là 64.654 triệu đồng, tương ứng 38,85% nguyên giá tài sản cố định hữu hình của EMS tại cùng thời điểm.
Đối với các tài sản đã đưa vào sử dụng trong thời gian dài, rơi vào tình trạng cũ kỹ, thường xuyên hỏng hóc phát sinh chi phí sửa chữa, TCT cần đổi mới, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống truyền dẫn để nâng cao năng suất lao động cũng như đảm bảo an toàn.
Bảng 4.1. Giá trị tài sản cố định hữu hình của Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện - Công ty Cổ phần năm 2019
Chỉ tiêu Đầu năm 2019 Cuối năm 2019
Nguyên giá Tài sản cố định hữu hình 143.974 166.410
Giá trị hao mòn lũy kế 84.095 101.756
Giá trị còn lại 59.879 64.654
(Nguồn: BCTC của EMS năm 2019)
Các phần mềm máy tính, hệ thống khai thác tự động cũng cần được nâng cấp, cập nhật thường xuyên để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục, không bị gián đoạn. Đối với các phương tiện vận tải, TCT cần xây dựng quy trình hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên, có quy chế về việc bảo hành phương tiện để đảm bảo an toàn cho người lao động và phương tiện.
- Đối với việc quản lý chi phí:
+ Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng không EMS phải trả mỗi năm khá cao, chiếm tỉ trọng lớn trong Chi phí phải trả. Cụ thể, cước vận chuyển hàng không vào năm 2017 chiếm 42,49% trong tổng chi phí phải trả, tăng lên 3,47% vào năm 2018 và chiếm 37,28% trong tổng chi phí phải trả vào năm 2019. Chi phí này tăng lên vào năm 2018 và có giảm vào năm 2019 (xem tại Bảng 4.2). Như vậy, EMS cần nghiên cứu sử dụng tối đa các phương tiện vận tải, giảm dần sự phụ thuộc vào các hãng hàng không nhằm giảm chi phí kết nối trong nước. EMS cũng nên thực hiện đàm phán với các hãng hàng không trong nước để tránh phụ thuộc vào một hãng hàng không duy nhất và để có mức giá cạnh tranh. Đối với chi phí vận chuyển hàng không quốc tế, EMS cần nghiên cứu phương án hợp tác, kết nối với các quốc gia có sản lượng chuyển phát đến nhiều để giảm thiểu chi phí chuyển phát quốc tế trung gian.
Bảng 4.2. Tỉ trọng chi phí vận chuyển hàng không của Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện - Công ty Cổ phần giai đoạn 2017-2019
Chỉ tiêu
Cuối năm 2017 Cuối năm 2018 Cuối năm 2019 Giá trị (triệu đồng) Tỉ trọng (%) Giá trị (triệu đồng) Tỉ trọng (%) Giá trị (triệu đồng) Tỉ trọng (%) Chi phí phải trả 46.378 100 40.789 100 57.735 100 - Trong đó: Cước vận chuyển hàng không 19.708 42,49 18.747 45,96 21.525 37,28
(Nguồn: tính toán dựa trên BCTC của EMS các năm 2017, 2018, 2019)
Bên cạnh đó, EMS cũng cần nghiên cứu hình thức phối hợp, trao đổi trọng tải còn dư thừa với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải tuyến Bắc - Nam và ngược lại.
+ EMS cần nghiên cứu, ban hành quy định, quy chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát điều hành xe; nghiên cứu triển khai hệ thống định vị trong công tác thanh toán chi phí xăng xe để đảm bảo phát huy tối đa năng lực xe hiện có, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tránh lãng phí, thất thoát.
+ EMS cần nghiên cứu tận dụng cộng tác viên địa bàn có sẵn ở từng huyện, xã, thị trấn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Công ty mẹ).