Phân tích cấu trúc tài chính là xem xét cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tài sản của doanh nghiệp và đánh giá tính hợp lý của cơ cấu nguồn vốn trong mối tương quan với cơ cấu tài sản của doanh nghiệp đó.
Phân tích cấu trúc tài chính bao gồm: - Phân tích cơ cấu tài sản
- Phân tích cơ cấu nguồn vốn
- Phân tích mối quan hệ giữa nguồn vốn và tài sản
2.3.1.1. Phân tích cơ cấu tài sản
Phân tích cơ cấu tài sản nhằm xem xét cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, qua đó đánh giá được tính hợp lý của cơ cấu tài sản tại thời điểm hiện tại (hoặc kỳ phân tích) và xu hướng biến động của cơ cấu tài sản theo thời gian. Từ đó, các nhà phân tích có thể biết được tình hình sử dụng vốn cũng như phân bổ vốn của doanh nghiệp có hợp lý với đặc điểm và lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó hay không.
Khi phân tích cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, các nhà phân tích thực hiện so sánh dọc tỉ trọng của từng bộ phận tài sản chiếm trong tổng tài sản, rồi so sánh ngang cơ cấu tài sản của kỳ phân tích với kỳ gốc trên cả phương diện số tương đối
và số tuyệt đối để từ đó xác định các nhân tố có ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng đến sự biến động về cơ cấu tài sản của doanh nghiệp (Nguyễn Văn Công, 2018).
Tỉ trọng của từng bộ phận tài sản chiếm trong tổng tài sản của doanh nghiệp được xác định qua công thức dưới đây:
Tỉ trọng của từng bộ phận tài sản chiếm
trong tổng tài sản =
Giá trị của từng bộ phận tài sản
x 100 [2.4] Tổng tài sản
(Nguồn: Nguyễn Văn Công, 2018)
2.3.1.2. Phân tích cơ cấu nguồn vốn
Tương tự như phân tích cơ cấu tài sản, phân tích cơ cấu nguồn vốn nhằm xem xét cơ cấu huy động vốn của doanh nghiệp, từ đó đánh giá được tính hợp lý của cơ cấu vốn tại thời điểm hiện tại (hoặc kỳ phân tích) và xu hướng biến động của cơ cấu nguồn vốn theo thời gian.
Doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn từ 2 nguồn vốn chính là VCSH và Nợ phải trả. Việc phân tích cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp được thực hiện bằng cách so sánh dọc tỉ trọng của từng bộ phận vốn chiếm trong tổng nguồn vốn, rồi so sánh ngang cơ cấu nguồn vốn ở thời điểm hiện tại (hoặc kỳ phân tích) với cơ cấu nguồn vốn của kỳ gốc. Các nhà phân tích cũng có thể so sánh cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp với cơ cấu nguồn vốn bình quân của ngành hoặc so sánh với một doanh nghiệp khác có cùng điều kiện tương đương nhưng có hiệu quả kinh doanh (Nguyễn Văn Công, 2018).
Công thức tính tỉ trọng của từng bộ phận nguồn vốn chiếm trong tổng nguồn vốn như sau:
Tỉ trọng của từng bộ phận vốn chiếm trong tổng nguồn vốn (%) =
Giá trị của từng bộ phận nguồn vốn x 100 [2.5] Tổng nguồn vốn
(Nguồn: Nguyễn Văn Công, 2018)
Chính sách huy động vốn và sử dụng vốn không chỉ phản ánh nhu cầu về vốn của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự hiệu quả trong việc sử dụng vốn của doanh nghiệp, có quan hệ trực tiếp đến hiệu quả cũng như rủi ro tài chính của doanh nghiệp đó. Vì vậy, khi phân tích cấu trúc tài chính, ngoài phân tích riêng rẽ cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn, các nhà phân tích còn phải chú ý đến mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn để từ đó thấy được liệu chính sách sử dụng vốn của doanh nghiệp đó có hợp lý hay không (Nguyễn Năng Phúc, 2011).
Một số chỉ tiêu sau đây thường được sử dụng để tìm hiểu về mối quan hệ giữa nguồn vốn và tài sản:
- Hệ số nợ so với tài sản:
Hệ số nợ so với tài sản = Nợ phải trả [2.6] Tổng tài sản
(Nguồn: Nguyễn Văn Công, 2018)
Chỉ tiêu này cho biết chính sách sử dụng các khoản nợ để tài trợ tài sản của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ tài sản của doanh nghiệp được hình thành chủ yếu từ các khoản nợ phải trả, điều này cho thấy doanh nghiệp càng huy động nhiều nợ để mua sắm tài sản, khả năng độc lập về tài chính của doanh nghiệp càng giảm, rủi ro tài chính của doanh nghiệp càng lớn, và ngược lại. Đối với các nhà tín dụng, chỉ tiêu này rất quan trọng vì đây sẽ là một trong những cơ sở để họ quyết định liệu có cho doanh nghiệp vay tiền hay không.
- Hệ số tài sản so với vốn chủ sở hữu (hay Đòn bẩy tài chính): Hệ số tài sản so với VCSH = Tài sản [2.7]
VCSH
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Quang, 2011)
Chỉ tiêu này phản ánh chính sách sử dụng VCSH để tài trợ tài sản của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ mức độ sử dụng nợ phải trả để tài trợ cho tài sản càng cao, mức độ độc lập về tài chính của doanh nghiệp càng giảm.