Phân tích BCTC của doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ các nhà quản trị doanh nghiệp trong việc nắm rõ được thực trạng tài chính và kết quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó định hướng các hoạt động của doanh nghiệp và có những quyết định kinh doanh, phát triển phù hợp, mà còn là công cụ hữu ích giúp các đối tượng ngoài doanh nghiệp đánh giá được tiềm năng phát triển hay rủi ro tài chính của doanh nghiệp, từ đó có những quyết định phù hợp với mục đích của mình.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, luận văn thạc sỹ nghiên cứu về đề tài phân tích BCTC của các doanh nghiệp, cụ thể như:
- Đề tài “Phân tích báo cáo tài chính của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel” của tác giả Trần Văn Tuấn (2019), Luận văn thạc sỹ kế toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội đã hệ thống hóa các lý thuyết liên quan đến phân tích BCTC trong doanh nghiệp, dựa trên cơ sở những số liệu tài chính của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel để tiến hành phân tích tình hình tài chính và từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực tài chính của Tổng công ty (TCT). Tuy nhiên, tác giả chưa thực hiện phân tích các chỉ tiêu liên quan đến cổ phiếu của TCT.
- Đề tài “Phân tích báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư, thương mại và dịch vụ VINACOMIN” của tác giả Nguyễn Thị Thủy (2017), Luận văn thạc sỹ Kế toán, Trường Đại học Lao động - Xã hội, Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu tình hình tài chính của Công ty thông qua các chỉ tiêu như doanh thu, chi phí, lợi nhuận,…. Tuy nhiên, nội dung phân tích còn dàn trải, một số chỉ tiêu không được đề cập đến như rủi ro tài chính, các chỉ tiêu liên quan đến cổ phiếu. Tác giả cũng chưa tiến hành so sánh các chỉ tiêu phân tích tài chính của Công ty với các đơn vị khác cùng ngành.
- Đề tài “Phân tích báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông” của tác giả Đỗ Thị Thư (2017), Luận văn thạc sỹ Kế toán, Trường Đại học Lao động - Xã hội, Hà Nội đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận liên quan đến phân tích BCTC, trên cơ sở kết quả phân tích tình hình tài chính để đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính của công ty. Mặc dù vậy, tác giả chưa phân tích chi tiết về rủi ro tài chính, các chỉ tiêu liên quan đến cổ phiếu của Công ty cũng như chưa thực hiện so sánh các chỉ tiêu phân tích tài chính của Công ty với các đơn vị khác cùng ngành.
Chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về phân tích BCTC của Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện Việt Nam - Công ty cổ phần. Đề tài nghiên cứu “Phân tích báo cáo tài chính Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện Việt Nam - Công ty cổ phần” của tác giả vừa là công trình nghiên cứu đầu tiên về phân tích BCTC của EMS, vừa rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế của các công trình nghiên cứu nêu trên.