Theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, hệ thống BCTC áp dụng trong các doanh nghiệp bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) - Mẫu số B01-DN;
- Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD) - Mẫu số B02-DN; - Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) - Mẫu số B03-DN;
- Bản thuyết minh báo cáo tài chính (BTMBCTC) - Mẫu số B09-DN.
2.2.1.1. Bảng cân đối kế toán
BCĐKT là một trong những báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh một cách khái quát tình hình tài sản của doanh nghiệp dưới hình thái tiền tệ tại một thời điểm nhất định. Các chỉ tiêu trên BCĐKT được phân loại theo giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp. BCĐKT cung cấp các thông tin về quy mô
và cơ cấu tài sản, nguồn hình thành tài sản, khả năng thanh toán và khả năng sinh lợi của doanh nghiệp (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).
BCĐKT được thể hiện dưới dạng bảng cân đối số dư các tài khoản kế toán. Các chỉ tiêu trên bảng được sắp xếp trật tự theo yêu cầu quản lý và được chia thành 02 phần là phần “Tài sản” và phần “Nguồn vốn”:
- Phần “Tài sản” thể hiện toàn bộ giá trị tài sản mà doanh nghiệp nắm giữ tại thời điểm lập báo cáo. Tài sản được chia thành 02 mục nhỏ là “Tài sản ngắn hạn” và “Tài sản dài hạn”. Dựa vào tổng tài sản và cấu trúc tài sản được thể hiện trên BCĐKT, các chuyên gia phân tích có thể đánh giá một cách khái quát quy mô tài sản của doanh nghiệp.
- Phần “Nguồn vốn” thể hiện nguồn hình thành các tài sản của doanh nghiệp cho đến cuối kỳ hạch toán. Nguồn vốn được chia thành 02 mục nhỏ là “Nợ phải trả” và “Nguồn vốn chủ sở hữu”, trong đó “Nợ phải trả” được chia thành “Nợ phải trả ngắn hạn” và “Nợ phải trả dài hạn”. Dựa vào các chỉ tiêu ở phần này, các chuyên gia phân tích có thể nhận biết được mức độ độc lập về mặt tài chính của doanh nghiệp cũng như chính sách sử dụng nguồn tài trợ của doanh nghiệp như thế nào.
Tài sản và nguồn vốn trên BCĐKT có tính cân đối, cụ thể: Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn.
2.2.1.2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
BCKQHĐKD là một trong những báo cáo kế toán tài chính phản ánh tình hình tổng hợp doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh (bao gồm hoạt động kinh doanh chính, hoạt động tài chính và các hoạt động khác) của doanh nghiệp sau một kỳ hoạt động. Căn cứ vào BCKQHĐKD, các nhà quản trị doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng thông tin có thể đánh giá được hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, tình hình thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước về các khoản phải nộp trong kỳ này, so sánh với các kỳ trước để nhận biết kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ và xu hướng phát triển
Trên BCKQHĐKD, lấy tổng của doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ và doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ hoạt động của doanh nghiệp trừ đi các chi phí như giá vốn bán hàng, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ sẽ thu được giá trị lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp; lấy thu nhập khác trừ chi phí khác sẽ thu được giá trị lợi nhuận khác của doanh nghiệp trong kỳ. Tổng của lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận khác của doanh nghiệp chính là tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đó. Giá trị này trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ có được chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế (LNST).
2.2.1.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
BCLCTT là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh dòng tiền lưu chuyển trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Dựa vào các thông tin thể hiện trên BCLCTT, người sử dụng thông tin có thể đánh giá khả năng tạo ra các khoản tiền và kết quả sử dụng những khoản tiền đó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Nguyễn Văn Công, 2018).
Nội dung của BCLCTT gồm 3 phần:
- Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh; - Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư; - Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính.
Có 02 phương pháp lập BCLCTT là phương pháp gián tiếp và phương pháp trực tiếp. Điểm khác nhau giữa 02 phương pháp này nằm ở phần I “Lưu chuyển tiền từ hoạt động sản xuất - kinh doanh”, còn ở phần II “Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư” và phần III “Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính” thì giống nhau.
2.2.1.4. Bản thuyết minh báo cáo tài chính
BTMBCTC cung cấp các thông tin nhằm thuyết minh, giải thích bằng lời và bằng số liệu một số chỉ tiêu được thể hiện trên BCĐKT, BCKQHĐKD và BCLCTT
mà cần giải thích hoặc bổ sung thêm (Nguyễn Văn Công, 2018).