Bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũng chứa đựng rủi ro tài chính dù ít hay nhiều. Rủi ro tài chính là xác suất chấp nhận sự thiệt hại, tổn thất kinh tế có thể đo lường mà doanh nghiệp phải chịu, tác động đến tình hình tài chính của doanh nghiệp và có thể dẫn tới phá sản. Theo nghĩa hẹp, rủi ro tài chính là phần rủi ro mà doanh nghiệp phải gánh chịu thêm từ việc sử dụng các khoản vay nợ bên ngoài để
trang trải, đầu tư phục vụ hoạt động kinh doanh. Điều này có nghĩa, rủi ro tài chính có mối quan hệ trực tiếp với các khoản nợ phải trả và sử dụng nợ phải trả (sử dụng đòn bẩy tài chính) càng nhiều thì rủi ro tài chính càng cao, và ngược lại.
Công thức tính đòn bẩy tài chính có thể được trình bày như sau: Đòn bẩy tài chính = Tổng Nguồn vốn [2.32]
VCSH
(Nguồn: Nguyễn Văn Công, 2018)
Đòn bẩy tài chính theo công thức trên cho biết mức độ tài trợ tài sản bằng VCSH của doanh nghiệp là cao hay thấp. Trị số của chỉ tiêu này bằng 1 khi nợ phải trả của doanh nghiệp bằng 0, hay nói cách khác, doanh nghiệp không hề vay mượn hay chiếm dụng vốn của đối tác bên ngoài. Khi đó, rủi ro doanh nghiệp phải chịu do sử dụng đòn bẩy tài chính hầu như không xảy ra. Trị số của chỉ tiêu này lớn hơn 1 khi doanh nghiệp sử dụng nợ phải trả để tài trợ tài sản, và trị số càng lớn hơn 1 chứng tỏ doanh nghiệp càng sử dụng nợ phải trả để trang trải tài sản, nguy cơ rủi ro do sử dụng đòn bẩy tài chính càng cao. Đòn bẩy tài chính nhỏ hơn 0 chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, số lỗ lũy kế lớn hơn tổng VCSH của doanh nghiệp, nguy cơ xảy ra rủi ro do sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp ở mức đặc biệt nghiêm trọng.