Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGẮN HẠN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH BA ĐÌNH (Trang 66 - 72)

Nhóm nguyên nhân chủ quan

* Nguyên nhân từ phía ngân hàng:

- Tình hình nợ xấu của thời gian trước để dồn lại sang những năm sau nên gặp khó khăn trong công tác xử lý các khoản nợ xấu lâu ngày. Trong thời gian trước, do mong muốn tăng trưởng nóng, Chi nhánh đã bất chấp tỷ lệ nợ xấu cao, thực hiện nhiều khoản vay, mục tiêu đạt được nhiều số lượng hợp đồng tín dụng hơn là chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng món tiền vay. Do vậy, các khoản nợ xấu được cộng dồn và gây khó khăn trong việc xử lý, giải quyết. Tình hình thu hồi nợ xấu còn nhiều bất cập, lúng túng do những món nợ lâu năm do khách hàng có tư tưởng chây lỳ, không chịu trả nợ.

- Chưa thực sự chuyên môn hoá trong công tác tín dụng, sự phân công còn thiếu khoa học. Mặc dù đã chuyển sang cơ chế quản lý và quyết định tín dụng theo cơ chế tập trung, tuy nhiên, một cán bộ tín dụng còn khá nhiều việc phải làm, trong khi chuyên môn chưa thực sự được trang bị hết những kiến thức về mọi lĩnh vực để có thể giải quyết công việc được dễ dàng hơn. Cụ thể, một cán bộ tín dụng phải thực hiện nhiều khâu, trong đó, khâu thẩm định tài sản gặp nhiều khó khăn. Việc đánh giá tài sản về mặt giá trị và tính pháp lý của tài sản đôi khi chưa được chính xác dẫn đến làm giảm chất lượng tín dụng. Chi nhánh chưa phân công riêng bộ phận thẩm định tài sản nên dẫn tới việc, khi đánh giá tài sản bảo đảm trước khi cho vay còn thiếu những căn cứ kinh tế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chủ quan của cán bộ tín dụng nên nhiều trường hợp chưa đưa ra giá trị chính xác của tài sản bảo đảm,

gây thiệt hại khi xảy ra rủi ro, phát mại tài sản. Hoặc cán bộ tín dụng còn phải thực hiện một công việc khá khó đó là thẩm định về dự án đầu tư, hầu hết cán bộ tín dụng đều tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, nhưng kiến thức các ngành cho vay lại rất rộng, ví dụ như về công nghệ, về sản xuất, về khai thác. Điều này gây không ít khó khăn trong việc xét duyệt các hồ sơ trước khi quyết định cho vay.

- Quy trình làm việc và quy trình thẩm định, cho vay còn tồn tại những điểm chưa hợp lý, liên quan đến việc phân cấp trách nhiệm của cán bộ tín dụng và những người có liên quan. Một điểm yếu của quy trình thẩm định và cho vay hiện nay là cán bộ tín dụng vẫn là người trực tiếp thực hiện gần như tất cả các khâu trong quá trình cho vay: Từ tiếp xúc khách hàng, thẩm định phương án vay vốn, thẩm định tài sản đảm bảo, giải ngân món vay đến kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng và thu hồi nợ. Đây là trách nhiệm rất lớn đối với cán bộ tín dụng và cũng tạo điều kiện, kẽ hở cho những cán bộ thoái hoá biến chất, không đủ tư cách đạo đức lợi dụng để tư lợi cá nhân, móc nối với khách hàng, cố tình làm sai lệch thông tin, đánh giá sai giá trị tài sản đảm bảo, tăng nguy cơ phát sinh rủi ro tín dụng.

- Ý thức tuân thủ pháp luật, cơ chế, quy định nội bộ, đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ còn chưa tốt tạo điều kiện cho khách hàng lợi dụng và lôi kéo vào những việc làm, hành vi phi pháp, cố tình làm trái để trục lợi.

- Việc kiểm tra, giám sát khoản vay sau khi cho vay là một khâu trong quy trình cho vay tại Chi nhánh, nhưng đôi khi bị CBTD bỏ qua, xem nhẹ nên không nắm bắt được đầy đủ tình hình sử dụng vốn vay, nguồn thu và khả năng trả nợ của khách hàng.

- Việc khai thác và xử lý thông tin tại Chi nhánh còn nhiều hạn chế: Ngân hàng không có đầy đủ thông tin về khách hàng vay vốn, đặc biệt là các quan hệ tín dụng, vay vốn tại các tổ chức tín dụng và với các cá nhân khác. Nguồn thông tin mà ngân hàng có được cũng không kịp thời và có chât lượng chưa cao. Phần lớn các thông tin là do khách hàng cung cấp và do ngân hàng dựa trên các báo cáo tài chính của khách hàng để dánh giá. Trong khi tính trung thực về các thông tin cung cấp lại

không được đảm bảo, các báo cáo tài chính nhiều lúc thiếu chính xác, phản ánh sai lệch tình hình tài chính của khách hàng. Trừ trường hợp thật cần thiết, không phải lúc nào ngân hàng cũng có điều kiện để mời các tổ chức chuyên môn tái thẩm định để xác định tính chính xác của những tài liệu này. Do đó, ngân hàng khó có thể đánh giá đúng hiệu quả phương án kinh doanh, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Số liệu sử dụng để làm căn cứ thẩm định chưa đầy đủ, thiếu chính xác hoạt động không khách quan làm tăng nguy cơ đánh giá sai lệch về khách hàng vay vốn và hiệu quả của dự án, phương án. Nguyên nhân là do ngân hàng còn hạn chế trong việc thu thập và lưu trữ thông tin về khách hàng cũng như các thông tin kinh tế, xã hội cần thiết khác cho quá trình thẩm định. Một kênh hữu ích có thể tham khảo thông tin là Trung tâm thông tin tín dụng NHNN (CIC) nhưng lại không được Chi nhánh chú trọng sử dụng. Ngoài ra thông tin về khách hàng cũng không được thường xuyên cập nhật hoặc không đầy đủ, đặc biệt là đối với khách hàng quan hệ tín đụng lần đầu.

- Hệ thống công nghệ thông tin chưa giúp các cán bộ tín dụng được hỗ trợ trong công tác quản lý và quản trị rủi ro, nhiều tính năng sử dụng mà cán bộ không được phân quyền để khai thác, sử dụng.

- Áp lực tăng dư nợ đôi khi dẫn đến việc cho vay không theo đúng quy trình, dễ dãi trong việc thẩm định, đánh giá nên tạo ra nhiều nguy cơ rủi ro trong cho vay.

* Nguyên nhân từ phía khách hàng:

- Do khách hàng gian lận, không có thiện chí trả nợ: nguyên nhân này tuy xảy ra không thường xuyên nhưng gây khó khăn lớn cho Chi nhánh Ba Đình khi xử lý nợ có vấn đề. Chi nhánh chỉ gặp một số ít trường hợp khách hàng doanh nghiệp gian lận trong việc sử dụng vốn ngân hàng khi doanh thu từ bán hàng không được sử dụng để trả nợ mà sử dụng để mua sắm tài sản cá nhân hoặc đầu tư tài sản dài hạn. Đối với khách hàng cá nhân, do khâu thẩm định về nhân thân không tốt, dẫn đến một số khách hàng thường xuyên chây ì trong việc trả nợ, có trường hợp vay

vốn xong đã bỏ khỏi nơi cư trú.

Hiện nay, việc cấp đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp không mấy khó khăn và quy trình lỏng lẻo nên nhiều doanh nghiệp được thành lập trong khi khả năng của họ không được đảm bảo. Các báo cáo và phương án không phản ánh được đầy đủ, chính xác nhu cầu vốn của khách hàng. Đôi khi khách hàng chủ động tạo ra những hợp đồng không có thật với các bạn hàng để đánh lừa ngân hàng trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn của mình.

- Nhiều phương án kinh doanh của khách hàng không đảm bảo tính trung thực. Khách hàng lập phương án kinh doanh và cung cấp báo cáo tài chính chi với mục đích đưa ra những con số làm bằng chứng thể hiện tính hiệu quả của phương án để đối phó với ngân hàng nhằm vay được vốn. Nhưng những con số và kết quả này thường không sát với thực tế trong khi khả năng của CBTD cũng có hạn chế nên không đánh giá được hết tình hình thực tế dẫn đến vốn vay của ngân hàng không được sử dụng hiệu quả thậm chí sai mục đích, ảnh hưởng đến khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng cho ngân hàng.

Nhóm nguyên nhân khách quan

- Nguyên nhân từ môi trường pháp lý:

Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã có những nỗ lực trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp và ngân hàng hoạt động như: Luật các tổ chức tín dụng, luật doanh nghiệp,... nhưng hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đồng bộ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan lại có sự mâu thuẫn nhau dẫn đến khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Việc thường xuyên có những thông tư hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi cũng gây nhiều khó khăn trong việc cập nhật, chỉnh sửa và áp dụng.

Có thể thấy việc sửa đổi pháp luật thường xuyên diễn ra từ các đạo luật cho đến các văn bản dưới luật: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 được sửa đổi, bổ sung năm 1990 và năm 1992, được thay thế bằng Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996; Đạo luật này tiếp tục được sửa đồi, bổ sung năm 2000 và được thay thế bằng Luật Đầu tư năm 2005; Luật Thương mại năm 1997 được thay thế

bằng Luật Thương mại năm 2005; Luật Doanh nghiệp năm 1999 được thay thế bằng Luật Doanh nghiệp năm 2005;... Như vậy, có những văn bản pháp luật 5-6 nãm hoặc 3-4 năm đã phải sửa đổi, thay đổi. Thậm chí, có những văn bản chỉ có hiệu lực trong 1 hoặc 2 năm đã phải sửa đổi, thay đổi. Vẫn biết rằng pháp luật không phải là một hiện tượng bất biến. Nó phụ thuộc và được quyết định bởi điều kiện thực tế của xã hội, thay đổi và phát triển để phù hợp với sự thay đổi và phát triển của xã hội. Nhưng việc sửa đổi một cách thường xuyên, trong một thời gian ngắn sẽ gây ra sự bất ổn cũng như khó khăn trong việc thực hiện, áp dụng và ảnh hưởng không tốt tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các ngân hàng

- Nguyên nhân từ môi trường kinh tế, xã hội:

Thời gian qua, tình hình kinh tế, xã hội trong nước cũng như quốc tế diễn biến khó lường và phức tạp. Trên thế giới, giá dầu mỏ liên tục tăng, giá vàng tăng cao và lập nhiều kỷ lục mới, áp lực lạm phát, phá sản diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng và ảnh hưởng tới mọi quốc gia, mọi thành phần kinh tế. Tỷ giá cũng liên tục thay đổi gây áp lực lên giá cả và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh, thiên tai làm giá lương thực thực phẩm tăng mạnh. Trong thời gian qua cũng ghi nhận sự tăng giá liên tục của một số mặt hàng chủ lực như xăng, dầu, than, bông, sợi , xi măng,... Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng cao tạo lên một sức ép lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh - trong đó có một bộ phận là khách hàng tín dụng của ngân hàng. Vì vậy, phát sinh một thực tế là một số khách hàng khi được vay vốn ngân hàng mặc dù sử dụng vốn đúng mục đích và chủ động thực hiện kinh doanh nhưng lại gặp phải những khó khăn do không lường trước được những biến động của thị trường đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, họ không có sự chuẩn bị trước cũng như không kịp thời có những giải pháp để khắc phục những phát sinh, dẫn đến việc kinh doanh khó khăn, thậm chí thua lỗ, không hoàn thành đúng kế hoạch đã định và thực hiện không đúng cam kết trả gốc, lãi cho ngân

hàng, làm phát sinh các khoản nợ quá hạn, ảnh hường đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành ngân hàng với sự xuất hiện của các NHTM và các ngân hàng nước ngoài làm hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cùng gặp thách thức. Đặc biệt là các NHTM liên tục mở rộng quy mô, mạng lưới kinh doanh với sự đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng. Vì vậy, việc duy trì hoạt động ổn định cho ngân hàng, tìm kiếm khách hàng mới, cho vay các khách hàng tốt, uy tín càng trở nên khó khăn.

Tóm lại, trong chương II khoá luận tốt nghiệp này đã đi sâu vào đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng ngắn hạn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Ba Đình. Thông qua việc phân tích đánh giá các chỉ tiêu khoá luận đã chỉ ra kết quả đạt được, những nguyên nhân và các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng ngắn hạn cùa Ngân hàng.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGẮN HẠN TẠI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG

VIỆT NAM- CHI NHÁNH BA ĐÌNH

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGẮN HẠN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH BA ĐÌNH (Trang 66 - 72)