Đối với Vietcombank Ba Đình, mặc dù tỷ lệ nợ xấu còn thấp nhưng nếu không xử lý kịp thời và triệt để thì sẽ gây thiệt hại lớn cho Ngân hàng. Để làm tốt công tác xử lý nợ xấu, Vietcombank Ba Đình cần xây dựng một kế hoạch xử lý cụ thể đối với từng khoản nợ xấu hoặc những khoản có nguy cơ chuyển sang nợ xấu. Đối với những khoản nợ xấu mà khách hàng vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, Chi nhánh cần làm việc chi tiết, cụ thể với khách hàng về khả năng khôi phục kinh doanh và kế hoạch trả nợ ngân hàng; yêu cầu khách hàng báo cáo hàng tuần về tình hình kinh doanh từ đó cán bộ có đánh giá và kiến nghị biện pháp xử lý. Đối với những khoản nợ xấu mà Chi nhánh xác định không thể khôi phục sản xuất kinh doanh cần xử lý dứt điểm. Nếu khách hàng có thiện chí trả nợ, Chi nhánh và khách hàng phối hợp để bán tài sản hoặc bán nợ. Trong trường hợp khách hàng không có thiện chí, cố tình chây ì chốn tránh cần áp dụng ngay biện pháp phong tỏa tài sản và khởi kiện để thu hồi nợ càng sớm càng tốt.
Xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng: Đây là biện pháp cuối cùng trong quá trình xử lý nợ của ngân hàng. Trong trường hợp cần thiết, Vietcombank Ba Đình cần chủ động dùng nguồn của chính mình để bù đắp rủi ro trong hoạt động kinh doanh, sao cho quá trình kinh doanh mới được diễn ra trên mặt bằng có lợi. Việc xử lý rủi ro nên được thực hiện mỗi quí một lần. Sau khi sử dụng dự phòng, Chi nhánh vẫn tiếp tục tích cực thực hiện phát mại tài sản và tận dụng mọi cơ hội để thu hồi nợ.