1.1.2.1. Khái niệm về tài chính vi mô, Tổ chức tài chính vi mô, chươngtrình, dự án tài chính vi mô trình, dự án tài chính vi mô
a. Khái niệm về tài chính vi mô.
Khái niệm tài chính vi mô (TCVM) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, khi ông Muhammad Yunus thành lập nên Ngân hàng Grameen, như là một thử nghiệm, ở vùng ngoại ô của Bangladesh. Kể từ khi đó, một vài tổ chức TCVM đã ra đời và đạt được thành công khi đến gần với những người nghèo nhất trong xã hội. Tuy nhiên, phải đến khi Ủy ban Nobel trao cho Ngân hàng Grameen Bank và người sáng lập Muhammad Yunus Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2006 “Vì những nỗ lực của họ trong việc tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội”, TCVM mới thực sự thu hút được sự chú ý của thế giới và niềm tin vào khả năng chống lại đói nghèo.
Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): “Tài chính vi mô là việc cung cấp một phạm vi rộng các dịch vụ tài chính như tiền gửi, tài khoản tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm, chuyển tiền cho người nghèo hoặc các hộ gia đình có thu nhập thấp, cho những hoạt động kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp rất nhỏ”. Người nghèo cũng như tất cả mọi người, cần có nhiều loại công cụ tài chính để tích lũy tài sản, bình ổn tiêu dùng và tự bảo vệ mình trước rủi ro. Chính vì thế, theo nghĩa rộng TCVM là việc tìm ra phương cách hiệu quả đáng tin cậy để cung cấp ngày càng nhiều hơn các sản phẩm TCVM.
Chương trình TCVM được triển khai tại Việt Nam từ năm 1987 thông qua kênh các đoàn thể xã hội, các tổ chức phi chính phủ để tiếp cận được với người nghèo. Trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 80 đến cuối thập niên 90, hoạt động TCVM phát triển nhanh chóng, các dịch vụ TCVM ngày càng tỏ rõ vai trò của mình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, đến những năm đầu thế kỷ 21, hoạt động TCVM lại gặp nhiều khó khăn, nhiều chương trình, dự án TCVM lần lượt đóng cửa. Trong bối cảnh này, nhiều tổ chức đã nỗ lực tìm mọi cách để tồn tại và phát triển. Đến nay, các tổ chức
tham gia cung cấp dịch vụ TCVM được chia thành ba nhóm: chính thức, bán chính thức và phi chính thức.
- Nhóm chính thức: Theo thông lệ thế giới các tổ chức thuộc khu vực chính thức hoạt động trên cơ sở giấy phép do Ngân hàng Trung ương (NHTW) cấp, chịu sự quản lý và giám sát của NHTW. Ở Việt Nam, thị trường TCVM chính thức gồm hoạt động của các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức TCVM được cấp phép.
- Nhóm bán chính thức bao gồm hoạt động của các tổ chức không thuộc đối tượng cấp phép hoạt động của NHTW. Việc cấp phép, quản lý hoạt động của khu vực này do các cơ quan quản lý khác nhau thực hiện, tùy thuộc vào loại hình tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ tài chính vi mô. Ở Việt Nam, các tổ chức tham gia thị trường TCVM bán chính thức là các quỹ xã hội, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), những chương trình, dự án có cấu phần cung cấp dịch vụ TCVM. Các tổ chức đoàn thể, NGOs nước ngoài cũng là những đối tác tham gia cung cấp TCVM ở khu vực bán chính thức. Các tổ chức bán chính thức thực chất là các tổ chức được liên kết với các tổ chức quần chúng tại Việt Nam, là các cơ quan đại diện hợp pháp của Chính phủ trong quản lý, tài trợ và phối hợp các NGOs quốc tế để triển khai các chương trình TCVM. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và Đoàn Thanh niên Việt Nam là 3 tổ chức quần chúng đang quản lý nhiều chương trình tiết kiệm và vay vốn theo nhóm, triển khai các dự án TCVM do các NGOs tài trợ, kết nối khách hàng với Ngân hàng Chính sách Xã hội bằng các thỏa thuận hợp tác.
- Nhóm phi chính thức: Các tổ chức hoạt động trong khu vực phi chính thức là những tổ chức không đăng ký hoạt động theo các qui định của pháp luật, tồn tại trong hầu hết các làng xã, cũng như cộng đồng dân cư sống tại thành thị, nông thôn của Việt Nam. Các tổ chức này gồm các nhóm tiết kiệm và cho vay quay vòng (chơi Họ hay Hụi, Biêu, Phường).
Hệ thống cung cấp dịch vụ TCVM hiện nay bao gồm 3 nhóm: chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Mặc dù cùng phục vụ cho một nhóm đối tượng
khách hàng, song hoạt động TCVM ở mỗi khu vực đang được điều chỉnh bởi các qui định pháp lý riêng biệt, chưa có sự thống nhất.
b. Khái niệm về tổ chức tài chính vi mô và chương trình, dự án tài chính vi mô Hiên nay, hoạt động TCVM ở Việt Nam chịu sự điều chỉnh về mặt pháp luật theo Luật Các Tổ chức tín dụng và chủ yếu là Quyết định 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ; cụ thể:
- Khái niệm về Tổ chức tài chính vi mô: Theo Luật các Tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 được quy định như sau:
“Tổ chức tài chính vi mô” là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Từ khái niệm tổ chức TCVM có thể rút ra một số đặc điểm của tổ chức TCVM như sau:
(i) Đây là tổ chức chuyên về hoạt động tài chính vi mô;
(ii) Là tổ chức thuộc khu vực chính thức hoạt động trên cơ sở giấy phép do NHNN cấp, chịu sự quản lý và giám sát của NHNN;
(iii) Có cơ cấu tổ chức hoạt động chặt chẽ theo quy định của pháp luật như các TCTD khác;
(iv) Vốn pháp định khi thành lập phải đảm bảo mức tối thiểu theo quy định của pháp luật;
(v) Các hoạt động tài chính vi mô không bị hạn chế so với các chương trình, dự án TCVM (cụ thể xem tại Bảng 1.1 - So sánh hoạt động của tổ cức TCVM và Chương trình, dự án TCVM).
Hiện nay, tại Việt Nam có 4 tổ chức TCVM được thành lập theo luật các TCTD như: Tổ chức tài chính vi mô TNHH M7, Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương, Tổ chức tài chính vi mô TNHH Thanh Hóa, Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm.
- Khái niệm về Chương trình, dự án tài chính vi mô: Theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 12/06/2017 được quy định như sau:
“Chương trình, dự án tài chính vi mô” là chương trình, dự án hoạt động tài chính vi mô và một hoặc một số hoạt động khác quy định nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tài chính vi mô, không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần tạo việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo”.
Từ khái niệm Chương trình, dự án TCVM có thể rút ra một số đặc điểm của Chương trình, dự án TCVM như sau:
(i) Đây là tổ chức chuyên về hoạt động tài chính vi mô;
(ii) Là tổ chức thuộc khu vực bán chính thức hoạt động trên cơ sở giấy chứng nhận đăng ký và triển khai thực hiện chương trình, dự án TCVM, chịu sự quản lý, giám sát của NHNN và các cơ quan quản lý khác tùy thuộc vào loại hình tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ tài chính vi mô.
(iii) Có cơ cấu tổ chức hoạt động đơn giản hơn so với tổ chức TCVM;
(iv) Tại Quyết định 20/QĐ-TTg không quy định mức vốn pháp định tối thiểu phải có;
(v) Các hoạt động tài chính vi mô bị hạn chế hơn so với tổ chức TCVM (cụ thể xem tại Bảng - So sánh hoạt động của tổ cức TCVM và chương trình, dự án TCVM).
Nhận xét: Có thể thấy rằng tổ chức TCVM và chương trình, dự án TCVM về đặc điểm cơ bản là giống nhau; điểm khách biệt giữa tổ chức TCVM và Chương trình, dự án TCVM là: Văn bản pháp luật điều chỉnh, cơ cấu tổ chức hoạt động, phạm vi hoạt động TCVM…