KINH DOANH XĂNG DẦU 1.1 Sản phẩm xăng dầu
1.1.1. Khái niệm và phân loại sản phẩm xăng dầu
Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, bao gồm: Xăng động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên(theo định nghĩa của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014).
Đặc điểm chung của nhóm sản phẩm này là : dễ cháy, đặc biệt khi nén ở áp suất cao chuyển thành thể khí. Khi cháy chúng phát sáng, thể tích tăng đột ngột và sinh nhiệt.
Mỗi loại sản phẩm xăng dầu có tính chất và đặc trưng riêng, được quy định bới các tiêu chuẩn quốc gia về các hằng số lý, hóa như tỷ trọng, tính bay hơi, tính chống kích nổ, tính ổn định hóa học, độ nhớt,… Nhưng nó có một đặc trưng nổi bật là phần lớn các loại xăng dầu tồn tại dưới dạng thể lỏng, dễ bay hơi hay còn được gọi là “Hao hụt”.Ngoài ra nó còn là chất dễ gây cháy nổ ngay trong điều kiện bình thường.
Hao hụt xăng dầu là sự thiếu hụt xăng dầu về số lượng do bay hơi tự nhiên, bám dính; ảnh hưởng của các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật trong quá trình giao nhận, nhập, xuất, tồn chứa, xúc rửa bể và phương tiện vận chuyển, pha chế, vận chuyển, chuyền tải, bán lẻ xăng dầu. Hao hụt xăng dầu được quản lý, tổ chức, hạch toán, quyết toán đối với từng sản phẩm xăng khoáng RON95, RON92, xăng sinh học E5, dầu diezen (DO 0,05%S, DO 0,001%S) (theo thông tư 43/2015/TT-BCT ký kết ngày 08 tháng 12 năm 2015).
Xăng dầu là loại sản phẩm dễ hao hụt trong quá trình vận chuyển, lưu kho và kinh doanh do khả năng bốc hơi rất mạnh.
Xăng là một sản phẩm độc hại. Quá trình khai thác, chế biến cũng như vận chuyển, phân phối, bảo quản có thể gây ra rò rỉ hoặc tai nạn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường.
Xăng dầu là một loại hàng hoá được sử dụng rất rộng rãi trong cuộc sống và trong các ngành công nghiệp.Xăng dầu được dùng để thắp sáng và tạo nhiệt: xăng, dầu hoả, nhiên liệu diezen, nhiên liệu phản lực.
Xăng dầu dùng làm dung môi trong nhiều ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp sơn do có khả năng hoà tan nhiều chất hữu cơ. Tuỳ theo công dụng xăng dầu được chia thành : xăng, dầu hoả thông dụng, nhiên liệu phản lực, nhiên liệu diezen và dầu bôi trơn.