“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai” (Quốc hội, 2015)
Thứ nhất, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản:
- Vật là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm nhận bằng giác quan của mình. Với ý nghĩa pham trù pháp lý, vật chỉ có ý nghĩa trở thành đối tượng của quan hệ pháp luật khi nó được con người kiểm soát và đáp ứng được một nhu cầu nào đó của con người.
- Tiền hay tiền tệ theo C. Mác là một thứ hàng hóa đặc biệt, được tách ra khỏi thế giới hàng hóa, dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của tất cả các loại hàng hóa khác. Bộ Luật Dân sự năm 2015 đều quy định tiền là một loại tà sản nhưng lại không có quy định để làm rõ bản chất pháp lý của tiền. chỉ có loại tiền có giá trị đang được lưu hành trên thực tế, tức là được pháp luật thừa nhận, mới được coi là tài sản. Tiền là công cụ thanh toán đa năng, là công cụ tích lũy tài sản và là thước đo giá trị.
- Giấy tờ có giá là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá hiện nay tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như séc, cổ phiếu, tín phiếu, hồi phiếu, kỳ phiếu, công trái,... Xét về mặt hình thức giấy tờ có giá là một chứng chỉ được lập theo hình thức, trình tự luật định.
- Quyền tài sản theo định nghĩa tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015 là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Quyền là một quyền năng dân sự chủ quan của chủ thể và được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Thứ hai, tài sản bao gồm bất động sản và động sản:
- Bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật. (Quốc hội, 2015)
- Động sản là những tài sản không phải là bất động sản. (Quốc hội, 2015)
Như vậy trong phạm vi nghiên cứu của luận văn này, tài sản của Cục Hải quan được giới hạn bao gồm: Nhà, công trình xây dựng và những tài sản gắn với nhà và công trình xây dựng; Hệ thống trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về hải quan của Cục Hải quan.
Sửa chữa tài sản của Cục Hải quan được hiểu là việc duy tu, thay thế những
hư hỏng phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của hệ thống nhà, công trình xây dựng và những tài sản gắn với nhà và công trình xây dựng; Hệ thống trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về hải quan của Cục Hải quan.
Chi sửa chữa tài sản của Cục Hải quan được hiểu là quá trình phân phối, sử dụng nguồn lực ngân sách nhằm trang trải những nhu cầu sửa chữa tài sản của cơ quan hải quan, đảm bảo sự hoạt động liên tục và hiệu quả của cơ quan hải quan trong hiện tại và tương lai.