Đánh giá theo nội dung quản lý chi

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ CHI SỬA CHỮA TÀI SẢN CỦA CỤC HẢI QUAN LẠNG SƠN (Trang 80 - 84)

2.3.2.1. Điểm mạnh trong quản lý chi sửa chữa tài sản của Cục Hải quan Lạng Sơn

- Công tác lập dự toán chi sửa chữa tài sản đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, đảm bảo đúng trình tự theo các văn bản quy định của nhà nước, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Phòng Tài vụ- Quản trị đã chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác lập dự toán chi phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của ngân sách. Hầu hết các đơn vị sử dụng tài sản bị sự cố, hư hỏng đều đã thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình từ khâu lập kế hoạch, thẩm định kế hoạch sửa chữa tài sản, qua đó, tạo thuận lợi lớn cho Phòng Tài vụ- Quản trị trong việc xây dựng dự toán.

- Việc thực hiện chi sửa chữa tài sản được triển khai đúng quy định, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Phòng Tài vụ- Quản trị. Công tác chỉ định thầu, đấu

thầu được thực hiện công khai đồng thời cũng giúp tiết kiệm ngân sách. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm soát chi sửa chữa tài sản cũng được Phòng Tài vụ- Quản trị thực hiện tương đối tốt với sự phối hợp của các đơn vị có liên quan, bao gồm: Tổng cục Hải quan, KBNN tỉnh và các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản của Cục.

- Công tác quyết toán chi sửa chữa tài sản thực hiện đảm bảo về thời gian và chất lượng theo quy định của pháp luật. Chất lượng báo cáo quyết toán được đánh giá tốt, phản ánh chính xác tính hình thực tế.

- Công tác kiểm soát chi sửa chữa tài sản đã được Phòng Tài vụ- Quản trị thực hiện thường xuyên, về cơ bản đã đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát được các khoản chi và đảm bảo chi sửa chữa tài sản tại Cục đúng chế độ quy định hiện hành.

2.3.2.2. Điểm yếu trong quản lý chi sửa chữa tài sản của Cục Hải quan Lạng Sơn

- Công tác lập dự toán chi sửa chữa tài sản còn bị động do Phòng Tài vụ- Quản trị chủ yếu tổng hợp dự toán căn cứ trên kế hoạch mà các đơn vị sử dụng tài sản lập. Công tác thẩm định kế hoạch này được Phòng Tài vụ- Quản trị thực hiện mang tính hình thức cao, do đó, chưa đánh giá được một cách khách quan nhất đối với căn cứ quan trọng nêu trên. Điều đó khiến cho hàng năm dự toán phải điều chỉnh 02 lần vào tháng 05 và tháng 07.

- Trong công tác đấu thầu sửa chữa tài sản, còn xảy ra một số trường hợp giá trúng thầu bằng giá ban đầu, khiến cho dư luận e ngại việc có nhà thầu ruột trong các dự án xây lắp tại Cục Hải quan, đồng thời không tiết kiệm được cho ngân sách. Bên cạnh đó, trong công tác đấu thầu, việc đánh giá năng lực của nhà thầu chưa được Phòng Tài vụ- Quản trị quan tâm.

- Công tác cấp phát, thanh toán sửa chữa tài sản còn chưa theo kịp tiến độ thực hiện dẫn đến tình trạng có một số dự án sửa chữa bị kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí vốn ngân sách.

- Việc nộp báo cáo quyết toán gói thầu của một số nhà thầu còn chậm trễ so với quy định. Nhiều trường hợp sai sót, chưa đúng biểu mẫu, số liệu không khớp với số báo cáo của KBNN tỉnh, do đó gây khó khăn và tốn nhiều thời gian cho Phòng Tài vụ- Quản trị trong việc tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách. Bên

cạnh đó, công tác quyết toán chi sửa chữa còn thiếu sự phân tích, đánh giá hiệu quả chi sửa chữa ngân sách qua từng năm.

- Công tác kiểm soát chi sửa chữa tài sản tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn thời gian qua đã phát hiện được những vi phạm của các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản (tài sản sửa chữa) trong việc quản lý, sử dụng chi phí sửa chữa tài sản. Tuy nhiên, phần lớn các kiến nghị sau kiểm tra, đánh giá của Phòng Tài vụ- Quản trị còn chưa mang tính tổng quát, việc xử lý trách nhiệm đối với cá nhân sai phạm còn chung chung; việc đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách còn ít. Chính điều này khiến cho tác động thực tế của công tác kiểm soát chi sửa chữa tài sản chưa cao.

2.3.2.3. Nguyên nhân của điểm yếu trong quản lý chi sửa chữa tài sản của Cục Hải quan Lạng Sơn

a) Những nguyên nhân bên trong Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn

- Xuất phát từ năng lực quản lý và sử dụng tài sản tại Cục chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy quản lý chưa được sắp xếp được công việc một cách hợp lý, vẫn sa vào công tác sự vụ, ít bám sát cơ sở. Vì vậy, thời gian dành cho công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng tài sản không nhiều nên không uốn nắn được kịp thời những sai sót tại các đơn vị, chưa tìm ra biện pháp khắc phục trong quản lý chi sửa chữa tài sản tại các đơn vị này.

- Năng lực quản lý chi sửa chữa tài sản của Phòng Tài vụ- Quản trị còn nhiều hạn chế. Hiện nay, cán bộ kiểm soát chi của Phòng khá ít, hoạt động kiêm nhiệm, kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, ngân sách còn hạn chế. Điều này đôi khi gây ra sự lúng túng trong quá trình quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng quản lý chi sửa chữa tài sản.

- Thiếu sự phối hợp giữa Phòng Tài vụ- Quản trị với các đơn vị có liên quan đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác kiểm soát việc sử dụng chi phí sửa chữa tài sản, khiến cho mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí nguồn ngân sách chưa đạt được như yêu cầu đặt ra.

- Sự thay đổi của các cơ chế chính sách về quản lý ngân sách nhà nước, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, quản lý sửa chữa tài sản ngành Hải quan gây ra nhiều khó khăn cho Cục Hải quan cũng như các cơ quan quản lý như Tổng cục Hải quan, đặc biệt đối với các công trình dự án đang trong quá trình triển khai hoặc đang tổ chức thi công. Việc thẩm định và quyết định dự án sửa chữa được phân cấp một phần cho các đơn vị sử dụng tài sản, tuy nhiên các đơn vị phần lớn chưa có nghiệp vụ này, gây nên khá nhiều lãng phí về vốn và làm giảm hiệu quả sử dụng chi phí từ ngân sách.

- Sự biến động của nền kinh tế vĩ mô gây ảnh hưởng rất lớn đến việc lập kế hoạch phân bổ, giải ngân và thanh, quyết toán chi phí sửa chữa cho các nhà thầu. Cụ thể, trong những năm vừa qua, Chính phủ và các Bộ, ngành thường xuyên có các văn bản chỉ đạo tăng cường về quản lý cắt giảm vốn đầu tư công, điều đó đã tác động trực tiếp đến việc bố trí chi phí sửa chữa của Cục Hải quan.

- Hệ thống định mức, đơn giá trong xây dựng cơ bản (đối với sửa chữa nhà, công trình) và đơn giá linh kiện (đối với sửa chữa trang thiết bị, máy móc) có nhiều thay đổi qua các năm do trượt giá, lạm phát khiến cho tính chính xác trong dự báo khi xây dựng dự toán chi sửa chữa tài sản của Cục Hải quan bị giảm.

- Do không có sự đánh giá các nhà thầu sửa chữa trong quá trình đấu thầu, nên Cục Hải quan chưa kiểm soát được năng lực của các nhà thầu (Năng lực tài chính; Chất lượng nguồn nhân lực; Năng lực máy móc, thiết bị, khoa học, công nghệ), dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện các gói thầu sửa chữa, một số nhà thầu còn thực hiện chậm tiến độ, vốn đội lên so với hợp đồng đã ký kết.

CHƯƠNG 3

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ CHI SỬA CHỮA TÀI SẢN CỦA CỤC HẢI

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ CHI SỬA CHỮA TÀI SẢN CỦA CỤC HẢI QUAN LẠNG SƠN (Trang 80 - 84)