Theo cách phân loại này các chi phí có nội dung, tính chất kinh tế giống nhau được xếp vào một yếu tố, không phân biệt chi phí đó phát sinh trong lĩnh vực nào, ở đâu, mục đích và tác dụng của chi phí đó như thế nào.
Theo cách phân loại này chi phí sản xuất được chia thành các yếu tố sau đây: - Chi phí nguyên vật liệu: bao gồm toàn bộ các chi phí về các loại nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, phụ tùng thay thế, thiết bị xây dựng cơ bản…mà doanh nghiệp đã sử dụng cho hoạt động sản xuất trong kỳ như: xi măng, sắt, thép, cát, đá, các loại dầu mỡ vận hành máy móc….
- Chi phí nhân công: bao gồm toàn bộ số tiền lương phải trả và các khoản trích theo lương của các công nhân sản xuất trong kỳ.
- Chi phí khấu hao TSCĐ: bao gồm toàn bộ số tiền doanh nghiệp trích khấu hao cho tất cả các loại TSCĐ tham gia hoạt động xây lắp như các loại máy thi công (máy vận thăng, máy cẩu…), nhà xưởng, phương tiện vận chuyển..
- Chi phí dịch vụ mua ngoài là toàn bộ số tiền doanh nghiệp đã chi trả về các loại dịch vụ mua ngoài: tiền điện, tiền điện thoại…phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
- Chi phí bằng tiền khác: là toàn bộ các chi phí dùng cho hoạt động sản xuất ngoài chi phí kể trên.
Phân loại chi phí theo nội dung, tính chất kinh tế của chi phí giúp nhà quản lý biết được kết cấu tỷ trọng từng loại chi phí trong tổng chi phí qua đó đánh giá được tình hình thực hiện dự toán chi phí. Hơn nữa, cách phân loại này còn là cơ sở để lập báo cáo chi phí sản xuất theo yếu tố trên bảng thuyết minh báo cáo tài chính, xây dựng định mức Vốn lưu động, lập kế hoạch mua sắm vật tư, tổ chức lao động tiền lương, thuê máy thi công…