Nhận diện, phân loại chi phí

Một phần của tài liệu KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG - PHÁT TRIỂN NHÀ VÀ THƯƠNG MẠI (Trang 64 - 66)

Dưới góc độ của kế toán quản trị chi phí được coi là những khoản phí tổn thực tế gắn liền với các phương án, sản phẩm, dịch vụ. Chi phí kinh doanh theo quan điểm của kế toán quản trị bao giờ cũng mang tính cụ thể nhằm để xem xét hiệu quả của các bộ phận như thế nào, đó chính là cơ sở để đưa ra các quyết định đầu tư, chọn phương án tối ưu.

Chi phí sản xuất của các doanh nghiệp bao gồm nhiều loại có nội dung kinh tế khác nhau, mục đích và công dụng trong quá trình sản xuất cũng khác nhau. Để phục vụ cho công tác quản lý chi phí sản xuất, có thể tiến hành phân loại chi phí sản xuất theo các tiêu thức khác nhau.

- Phân loại chi phí theo chức năng hoạt động:

Theo chức năng hoạt động của chi phí trong các tổ chức hoạt động, chi phí chia thành hai dạng đó là chi phí sản xuất và chi phí ngoài sản xuất.

+ Chi phí sản xuất đó là các khoản chi phí phát sinh trong phạm vi sản xuất của doanh nghiệp. Thông thường phạm vi sản xuất của các tổ chức hoạt động kinh doanh đó là phân xưởng, tổ, đội... Chi phí sản xuất có thể được hiểu đó là sự tiêu hao của các yếu tố sản xuất như lao động, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và các chi phí khác để tạo ra giá thành của sản phẩm hay dịch vụ trong kỳ. Chi phí sản xuất thường được chia thành bốn khoản mục cơ bản: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp; Chi phí nhân công trực tiếp; chi phí sử dụng máy thi công; Chi phí sản xuất chung.

+ Chi phí ngoài sản xuất đó là các khoản chi phí phát sinh ngoài sản xuất của các doanh nghiệp. Chi phí ngoài sản xuất thường bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

- Phân loại chi phí theo mức độ hoạt động

Theo cách phân loại này chi phí của doanh nghiệp được chia thành các dạng sau: + Biến phí đó là các khoản chi phí thường có quan hệ tỷ lệ với kết quả sản xuất hay quy mô hoạt động.

+ Định phí đó là các khoản chi phí thực tế phát sinh thường không thay đổi trong phạm vi của quy mô hoạt động. Trong thực tế định phí thường phức tạp hơn chi phí biến đổi vì phụ thuộc vào giới hạn của quy mô hoạt động. Khi giới hạn của quy mô hoạt động thay đổi thì định phí chuyển sang một lượng khác đó chính là sự biến đổi lượng, chất trong quá trình biến đổi kinh tế.

+ Chi phí hỗn hợp đó là các khoản chi phí bao gồm cả biến phí và định phí. Thông thường ở mức độ hoạt động căn bản thì chi phí hỗn hợp thể hiện định phí, khi vượt khỏi mức độ hoạt động căn bản thì chi phí hỗn hợp bao gồm cả biến phí.

Trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí hỗn hợp thường bao gồm chi phí sản xuất chung, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. Như vậy hầu hết các khoản mục chi phí phát sinh của doanh nghiệp thường mang tính chất chi phí hỗn hợp là chủ yếu, các khoản chi phí này thường khó kiểm soát. Trong thực tế các nhà quản trị muốn kiểm soát các khoản chi phí hỗn hợp cần phải xác định quy mô hoạt động của doanh nghiệp và sử dụng các phương pháp tách chi phí hỗn hợp thành 2 bộ phận biến phí và định phí.

Ngoài các tiêu thức phân loại chi phí như đã trình bày trên, trong thực tiễn của hoạt động kinh doanh còn áp dụng nhiều tiêu thức phân loại khác. Tất cả các tiêu thức đều chung một mục đích đối với nhà quản trị đó là kiểm soát chặt sự phát sinh của chi phí, cơ sở để giảm chi phí tối thiểu và đạt được lợi nhuận tối đa.

Một phần của tài liệu KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG - PHÁT TRIỂN NHÀ VÀ THƯƠNG MẠI (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(169 trang)
w