a. Tác dụng của dòng điện đối với con người
Con người khi bị đặt trong một điện thế sẽ bị tác dụng của dòng điện đi qua cơ thể. Tuỳ theo độ lớn của điện thế mà mức độ nguy hại sẽ khác nhau như: tê liệt thần kinh, điện phân máu…
Trị số của cường độ dòng có mức độ tác động đến con người như sau: I = 0.6 ÷ 1.5 mA Làm tê tay
I = 2 ÷ 3 mA Bị giật
I = 12 ÷ 15mA Khó rút tay ra khỏi dây điện, nhức khớp xương I = 20 ÷ 25 mA Con người bị tê liệt
I = 50 ÷ 80 mA Ngừng hô hấp
I > 100 mA Không quá một giây tim ngừng đập
Khi cơ thể con người chạm vào dây dương của đường dây thì trên cơ thể xuất hiện một dòng điện lớn hoặc nhỏ thì ngoài sự phụ thuộc vào điện thế lớn hoặc nhỏ còn phụ thuộc vào điện trở của con người. Tuỳ theo đặc điểm, trạng thái và môi trường, điện trở của mỗi người khoảng 40 đến 100.000Ω.
Nếu chạm tay vào một pha (điện thế uf = 220V), có dòng điện 0,004 ampe chạy qua người. Nếu chạm hai tay vào hai pha (điện thế uf = 380V), có
dòng điện 0,0876 ampe chạy qua người. Các trường hợp trên đều gây nguy hiểm cho con người.
b. Các hiện tượng điện giật
Bị giật do chạm mát
Chạm mát là hiện tượng tiếp xúc của dây dương (dây pha) tại một điểm nào đó với vỏ máy. Bị giật do chạm mát là trường hợp người bị tác động của dòng điện đi qua vỏ máy bị chạm mát. Hiện tượng chạm mát dễ xảy ra do tác hại của môi trường. Bụi bẩn, độ ẩm không khí… làm giảm điện trở cách điện của những vật liệu cách điện hoặc làm mất hoàn toàn khả năng cách điện của vật liệu. Thường thì những trường hợp bị chạm mát sẽ bị mất đi sau khi động cơ làm việc và nóng lên nhưng cũng có những trường hợp rất nguy hiểm.
Ta xét hai trường hợp chạm mát: Giả sử con người tiếp xúc vào vỏ máy của động cơ điện bị chạm một pha vào vỏ, mà vỏ máy không nối đất. Trường hợp này, con người phải chịu hoàn toàn điện thế cao nguy hiểm.
Nếu ta nối một dây dẫn từ vỏ máy xuống đất, gọi là nối đất cho máy. Thì con người chỉ là một phân mạch song song của dòng điện chung mà thôi. Điện trở phân mạch người rất lớn so với điện trở dây nối đất (vì bản thân điện trở người đã lớn lại cộng thêm điện trở tiếp xúc giữa cơ thể người với vỏ máy, giữa cơ thể người với đất), do đó, dòng điện chạy qua cơ thể người rất nhỏ, không gây nguy hiểm.
Bị giật do điện thế bước:
Khi dây nóng của mạch tiếp xúc với đất tạo ra xung quanh nó những “vòng tròn điện thế”. Bán kính vòng nguy hiểm khoảng 20 mét. Người đi trong vùng này sẽ bị một điện thế chênh lệch giưa hai vòng tròn điện thế chứa hai chân (vì thế gọi là điện thế bước).
Càng gần điểm dây nóng chạm đất thì sự chênh lệch giữa điện thế hai vòng tròn bước chân càng lớn và càng nguy hiểm.
Nếu hai chân người cùng nằm trong một vòng tròn điện thế thì không bị điện giật.
c. Các biện pháp đảm bảo an toàn
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện cần phải tuân thủ những quy định, biện pháp sau đây:
- Các chỗ nối trên đường dây trong nhà phải quấn băng cách điện và ghép cẩn thận bằng sứ cách điện.
- Đường dây trần phải cách mặt đất và nơi sinh hoạt đúng theo tiêu chuẩn quy định. Hộp cầu dao phải treo trên tường cách mặt đất ít nhất 1,5m và có nắp khoá.
- Phải dùng dây chảy đúng trị số và lắp đúng nơi quy định theo yêu cầu kỹ thuật an toàn, không được thay dây chảy khác loại hoặc khác trị số.
- Các vỏ máy bằng kim loại phải được nối đất, dây nối đất phải đảm bảo đúng kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra.
- Không được sửa chữa, thay thế, lắp ráp trong khi máy móc, thiết bị đang đấu vào lưới điện.
- Không được sửa chữa mạng điện khi không có thiết bị đảm bảo an toàn và đối với người không có chuyên môn.
Câu hỏi ôn tập:
1. Trình bày sơ đồ cấu tạo và chu trình làm việc của động cơ 2 kỳ. 2. Trình bày sơ đồ cấu tạo và chu trình làm việc của động cơ 4 kỳ. 3. Trình bày cấu tạo và hoạt động của động cơ điện một chiều
4. Trình bày cấu tạo và hoạt động của động cơ điện xoay chiều đồng bộ.
5. Trình bày cấu tạo và hoạt động của động cơ điện xoay chiều không đồng bộ.
6. Cho biết các hiện tượng điện giật và biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng máy điện.
PHẦN HAI: HỆ THỐNG MÁY NÔNG NGHIỆP
Ngày nay, cơ giới hoá, tự động hoá là xu thế chung của mọi ngành sản xuất. Sản xuất nông nghiệp nước ta đang ở giai đoạn cơ giới hoá. Trong tiến trình cơ giới hoá nông nghiệp sẽ dần hình thành hệ thống máy nông nghiệp, bao gồm tất cả các loại máy phục vụ trong sản xuất nông nghiệp: máy canh tác nông nghiệp, máy thu hoạch nông nghiệp, máy phục vụ chăn nuôi… Theo chương trình ngành học trồng trọt và nông lâm tổng hợp, trong phần này của bài giảng sẽ giới thiệu các loại máy của hai nhóm chính là nhóm các máy canh tác và nhóm các máy thu hoạch sử dụng trong nông nghiệp.
CHƯƠNG III: MÁY LÀM ĐẤT
Làm đất là một khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình canh tác, nhằm mục đích nâng cao độ phì của đất, tạo điều kiện cho sự phát triển của hạt giống, cây trồng.
Nhiệm vụ của việc làm đất:
- Làm tơi nhỏ lớp đất bề mặt với đất khô và làm nhuyễn với đất ngập nước. - Diệt trừ cỏ dại và sâu bệnh.
- Chuẩn bị cho việc gieo trồng: làm phẳng, xẻ rãnh, vun luống…
Phương pháp làm đất:
- Làm đất cục bộ: là phương pháp mà đất chỉ được làm cục bộ tại những nơi cần thiết.
- Làm đất toàn diện: là phương pháp mà đất được làm toàn phần tổng diện tích bề mặt đất canh tác.
Theo quan điểm công nghệ, phương pháp làm đất còn được chi ra:
- Làm đất qua hai giai đoạn: Giai đoạn đầu làm cho lớp đất mặt có dạng thỏi lớn, giai đoạn sau mới làm cho đất tơi, nhỏ đến mức cần thiết.
- Làm đất qua một giai đoạn: Đồng thời tác động để tạo ra lớp đất tơi, xốp, nhuyễn theo yêu cầu.
Làm đất là một công việc nặng nhọc nên người ta đã sớm tiến hành cơ giới hoá khâu công việc này bằng cách sử dụng các loại máy làm đất vào sản xuất thay cho sức người. Máy làm đất bao gồm các loại: máy cày, máy bừa, máy phay. Tuỳ theo nhiệm vụ và phương pháp làm đất khác nhau mà trên một thửa đất người ta có thể chỉ sử dụng một loại máy hay phối hợp một nhóm máy để làm đất theo yêu cầu.