Trong nghề nông, gieo hạt giống cây trồng là đặt hạt vào trong đất ở những độ sâu khác nhau, với độ ẩm thích hợp, bằng những phương pháp khác nhau.
Dưới đây là một số phương pháp gieo hạt:
Phương pháp gieo vãi: là phương pháp mà hạt giống được phân bố tương đối đều ở mặt ruộng, việc lấp hạt có thể không cần sâu và kín. Phương pháp này thường được áp dụng để gieo những giống cây ngắn ngày, như lúa, cỏ, rau…
Hình 4.1: Sơ đồ các hình thức gieo hạt
a - Phương pháp gieo hàng; b - Phương pháp gieo giải; c,d - Phương pháp gieo hốc
Phương pháp gieo hàng (hình 4.1a) được dùng phổ biến nhất để gieo các loại hạt cây trồng như lúa, ngô, các loại đậu và nhiều loại cây trồng khác. Hạt giống được phân bố thành từng hàng, khoảng cách giữa các hàng là b, tuỳ theo loại cây trồng và điều kiện đất đai mà khoảng cách giữa các hàng có khác nhau, ở nước ta với gieo lúa thì hàng thường là 15 đến 20cm, gieo ngô khoảng cách hàng là 30 đến 40cm, lạc khoảng cách hàng là 30, 35 hoặc 40cm.
Gieo dải là phương pháp gieo mà hạt được phân bố thành từng giải mà mỗi dải bao gồm một số hàng hẹp (khoảng cách hàng nhỏ) còn khoảng cách giữa các dải thì lớn hơn (hình 4.1b). Ở nước ta phương pháp này thường được áp dụng để gieo một số loại rau, đậu.
Phương pháp gieo hốc: Ở đây hạt được phân bố thành từng hốc (cụm), mỗi hốc có một số hạt. Đặc trưng của phương pháp này là khoảng cách giữa các hốc, và khoảng cách giữa các hàng hốc, các hốc kề nhau tạo thành những ô vuông hoặc không vuông (hình 4.1c,d).