Sơ đồ cấu tạo chung của máy gặt lúa có dạng sau:
Hình 6.1: Sơ đồ cấu tạo chung của máy gặt
1 - bộ phận cắt; 2 - guồng gặt; 3 - băng truyền lúa; 4 - thanh cân bằng; 5 - thanh giằng; 6 - hộp biến tốc; 7 - giá đỡ; 8 - hộp biến tốc của giá đỡ; 9 - bảng hứng; 10 - kích đỡ;
11 - trục truyền dẫn; 12 - thanh nâng
Về cấu tạo, máy gặt bao gồm các bộ phận chính là: guồng gặt, bộ phận cắt, bộ phận chuyển lúa, các bộ phận phụ trợ khác. Các bộ phận đó được lắp ghép với nhau trên khung máy và chuyển động trên các bánh của máy. Khi liên kết với máy kéo, máy gặt được bố trí lệch sơ với máy kéo để máy kéo không đi đè lên lúa trong quá trình gặt. Do máy gặt lắp lệch so với máy kéo nên trong quá trình chuyển động máy gặt bị mất cân bằng, để khắc phục người ta có bố trí bộ phận cân bằng.
Nguyên tắc hoạt động: Máy kéo kéo máy gặt chuyển động tiến vào ruộng lúa, bộ phận rẽ gạt lúa để máy gặt lúa được gọn gàng, không rơi vãi. Guồng gạt quay, cánh gạt sẽ gạt lúa cung cấp cho bộ phận cắt, bộ phận cắt thực hiện việc cắt lúa. Guồng gạt tiếp tục quay, cánh gạt gạt lúa đổ lên băng truyền lúa. Đồng thời lúc này cánh gạt tiếp theo của guồng sẽ gạt lúa đứng vào cho bộ phận cắt. Quá trình đó diễn ra liên tục cho đến khi bảng hứng đầy lúa, máy kéo dừng lại, đổ lúa rồi lại tiếp tục một tuần tự như trên.