* Kiểm tra tên hàng hóa nhập khẩu
- Kiểm tra tên hàng hóa nhập khẩu theo tờ khai hải quan của doanh nghiệp
Kiểm tra tên hàng hóa nhập khẩu trong hồ sơ hải quan là việc sử dụng các nội dung được quy định thông qua các phương thức, biện pháp, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi theo pháp luật hải quan, thương mại, pháp luật khác nhằm kiểm tra, giám sát và các biện pháp khác đối với doanh nghiệp nhập khẩu, đảm bảo thông tin hàng hóa phù hợp được công bố, thể hiện đặc trưng của hàng hóa nằm trong danh mục hàng hóa của theo tiêu chuẩn nhất định được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc được sử dụng phổ biến.
Với đặc tính đa dạng về chủng loại hàng hóa, khi áp dụng nội dung kiểm soát hồ sơ hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất, mô tả rõ ràng, đầy đủ thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm và công dụng, đáp ứng các tiêu chí về tên gọi, mô tả hàng hóa tại danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ hai, đối chiếu tên hàng khai báo với nội dung chú giải phần, chương, phân chương, nhóm, phân nhóm liên quan tại danh mục hàng hóa nhập khẩu; tài liệu kỹ thuật, chứng từ khác liên quan đến hàng hóa tại hồ sơ hải quan.
Thứ ba, quá trình kiểm tra tên hàng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và được thực hiện bởi quy trình, nghiệp vụ chặt chẽ. Quá trình kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ phải thực hiện minh bạch, công khai, công bố thông tin cho doanh nghiệp.
Thứ tư, kiểm tra tên hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo sự thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi pháp luật hải quan, tạo điều kiện kiểm tra nhanh để thuận tiện cho doanh nghiệp chấp hành tốt và xử lý hiệu quả doanh nghiệp vi phạm. Thường xuyên trao đổi, tiếp nhận các thông tin phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến kiểm tra tên hàng, cải cách và nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực thi các quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến nội dung này.
* Kiểm tra mã số tính thuế hàng hóa nhập khẩu
Mã số hàng hóa được xem như con số định danh một hàng hóa nhất định dùng để tính thuế nhập khẩu, VAT và các loại thuế khác theo quy định. Vì thế, việc kiểm tra mã số hàng hóa cần được tuân thủ theo những yêu cầu sau:
- Thứ nhất: Kiểm tra cần xác định được mã số hàng hóa rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo mức độ chi tiết hàng hóa của mặt hàng cần phân loại tại danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể, cần đối chiếu theo danh mục hàng hóa mà quốc gia quy định dựa vào sự cung cấp của nước xuất khẩu, hoặc thông tin tổng hợp của quốc gia nhập khẩu.
- Thứ hai: Kiểm tra mã số hàng hóa nhập khẩu phải đối chiếu tên hàng, mã số hàng hóa khai báo với tên hàng, mã số tại danh mục hàng hóa rủi ro về phân loại trong lĩnh vực nhập khẩu, danh mục hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai. Thu thập thông tin về mã hàng, thu thập thông tin trên tờ khai hải
quan, xác định trên cơ sở dữ liệu quốc gia để đối chiếu với mã số hàng hóa mà doanh nghiệp, chủ hàng khai khi thực hiện thủ tục nhập khẩu.
* Kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
Xuất xứ hàng hóa được xem như “quốc tịch” của hàng hóa, được doanh nghiệp tự chứng nhận hoặc nhà nước xác định nguồn gốc tạo ra sản phẩm để cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được hiểu là hoạt động kiểm soát các tiêu chí cơ bản trên thông tin chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sự phù hợp với nội dung trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan như vận đơn, hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại hay các chứng từ theo quy định của pháp luật các quốc gia đối với hàng hóa làm thủ tục nhập khẩu qua biên giới quốc gia khác theo quy định của pháp luật hải quan và pháp luật khác.
Đối với kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, việc xác định hình thức của giấy chứng nhận xuất xứ thực hiện theo hai cách. Đối với giấy chứng nhận xuất xứ bằng dạng giấy thì đối chiếu mẫu thông tin do quốc gia nhập khẩu đã đăng ký; đối với giấy chứng nhận dạng điện tử đối chiếu trên trang thông tin điện tử mà nước nhập khẩu hàng hóa đăng ký.
Tuy nhiên, để đảm bảo được các yếu tố cơ bản khi kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, cần xác định vai trò cụ thể đối với kiểm soát xuất xứ hàng hoá nhập khẩu:
Thứ nhất, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là căn cứ để xác định nguồn gốc của hàng hóa, cách tính thuế nhập khẩu.
Thứ hai, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với thống kê hoạt động ngoại thương;
Thứ ba, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu nhằm nâng cao uy tín, trách
nhiệm của doanh nghiệp khi cung ứng hàng hóa ra thị trường, khách hàng và vị trí của nước xuất trong thương mại quốc tế;
Thứ tư, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để thực thi các biện pháp, công cụ thương mại phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, biện pháp tự vệ trong chính sách thương mại quốc tế của quốc gia.
Kiểm tra trị giá Hải quan là một khâu rất quan trọng trong quy trình kiểm tra hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện. Thông qua quá trình kiểm tra trị giá, cơ quan hải quan phát hiện được nhưng hành vi vi phạm gian lận về giá để truy thu thuế vào ngân sách nhà nước.
- Kiểm tra trị giá khai báo của Doanh nghiệp, đối chiếu với Danh mục quản lý rủi ro về giá và hệ thống GTT02.
- Đối với các mục hàng thuộc danh mục quản lý rủi ro về giá:
+ Nếu giá khai báo thấp hơn giá thuộc Danh mục quản lý rủi ro thì chuyển thông sang bộ phận tham vấn giá và tiến hành tham vấn giá theo quy định.
+ Nếu giá khai báo bằng hoặc cao hơn giá thuộc Danh mục quản lý rủi ro thì chấp nhận giá theo quy định.
- Đối với các mục hàng không thuộc danh mục quản lý rủi ro về giá: Nếu giá khai báo thấp hoặc có nghi vấn về giá nhưng chưa đủ cơ sở để bác bỏ giá thì chuyển thông tin sang bộ phận KTSTQ tại Chi cục.
Ngoài ra, cán bộ hải quan có thể tham khảo giá khai báo của Doanh nghiệp với giá thị trường trong nước, giá bán tại nước xuất khẩu và giá bán tại các nước có nền kinh tế phát triển tương tự.