Lập kế hoạch dự toán thu chi

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: GIẢI PHÁP QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 27 - 30)

Các khoản mục dự toán thu chi này bao gồm dự toán các khoản thu và dự toán các khoản chi. Việc lập dự toán sẽ làm phương hướng cho việc thực hiện các kế hoạch trong năm, cũng như sử dụng nguồn ngân sách cho phù hợp. Trong lập kế hoạch thu chi, thì cần chú ý đến vấn đề dự toán thu và dự toán chi của bệnh viện công lập.

1.2.1.1.Đối với lập kế hoạch các nguồn thu

Xây dựng kế hoạch dự toán thu phải dựa vào các căn cứ sau:

+ Phải dựa vào nhiệm vụ chính trị, xã hội được giao cho đơn vị cũng như các chỉ tiêu cụ thể, từng mặt hoạt động do cơ quan có thẩm quyền thông báo.

+ Các văn bản pháp lý quy định thu như các chế độ thu do Nhà nước quy định.

+ Số kiểm tra về dự toán thu do cơ quan có thẩm quyền thông báo.

+ Kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu của các năm trước (chủ yếu là năm báo cáo) và triển vọng của các năm tiếp theo.

Đối với các nguồn thu có thể có cho bệnh viện công lập, gồm:

- Kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên nhằm hoàn thành chức năng, nhiệm vụ ở các bệnh viện tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công) và bệnh viện do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (trên cơ sở số lượng người làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt); được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp giao, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

- Nguồn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên bao gồm:

+ Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (đối với các bệnh viện không phải là đơn vị khoa học và công nghệ);

+ Kinh phí thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng công chức viên chức; + Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

+ Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng (điều tra, quy hoạch, khảo sát, các nhiệm vụ khác);

+ Kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;

+ Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định (nếu có);

+ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự toán được giao hàng năm;

+ Vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Kinh phí khác (nếu có).

(2) Các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp:

- Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí;

- Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định (phần được để lại chi thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí);

- Thu từ hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và khả năng của đơn vị, cụ thể:

+ Sự nghiệp y tế, đảm bảo xã hội: nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y tế dự phòng, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các tổ chức; cung cấp các chế phẩm trong y tế; nguồn thu từ các hoạt động cung ứng dịch vụ trong bệnh viện; thu từ các dịch vụ bào chế thuốc, dịch truyền, sàng lọc máu... và các khoản thu khác đúng theo quy định của pháp luật.

(3) Nguồn vốn viện trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật.

Bệnh viện là người được thừa hưởng các nguồn thu đó và được phép chi tiêu theo quy định của nhà nước.

(4). Nguồn vốn vay và các nguồn khác. Bệnh viện được nhà nước cho phép vay vốn của các tổ chức tín dụng và cán bộ trong đơn vị nhưng phải hạch toán rõ ràng và sử dụng theo chế độ của nhà nước.

Ngoài ra, bệnh viện được thu lợi từ nguồn vốn tham gia liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

1.2.1.2.Đối với kế hoạch dự toán các nguồn chi

Lập dự toán chi là khâu khởi đầu và quan trọng trong quản lý chi ngân sách nhà nước, nó có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả của khâu chấp hành, kế toán và quyết toán chi ngân sách nhà nước. Khi lập dự toán cần dựa trên những căn cứ sau:

+ Chủ trương của Nhà nước về duy trì và phát triển các hoạt động sự nghiệp trong từng giai đoạn nhất định. Dựa vào căn cứ này sẽ giúp cho việc xây dựng dự toán chi tài chính ở bệnh viện có một cái nhìn tổng quát về những mục tiêu, nhiệm vụ mà đơn vị phải hướng tới trong năm, từ đó xác lập được các hình thức, phương pháp phân phối nguồn vốn vừa tiết kiệm, vừa đạt hiệu quả cao.

+ Dựa vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu có liên quan trực tiếp đến việc cấp phát kinh phí chi ngân sách nhà nước kỳ kế hoạch cho các bệnh viện. Đây chính là việc cụ thể hóa các chủ trương của Nhà nước trong từng giai đoạn thành các chỉ tiêu cho kỳ kế hoạch. Khi dựa trên căn cứ này để xây dựng dự toán chi phải thẩm tra, phân tích tính đúng đắn, hiện thực, tính hiệu

quả của các chỉ tiêu thuộc kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó có kiến nghị điều chỉnh lại các chỉ tiêu kế hoạch cho phù hợp.

+ Dựa vào khả năng nguồn kinh phí có thể đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu thường xuyên kỳ kế hoạch. Muốn dự đoán được khả năng này, Bệnh viện phải dựa vào cơ cấu thu ngân sách nhà nước kỳ báo cáo và mức tăng trưởng của các nguồn thu kỳ kế hoạch, từ đó thiết lập mức cân đối tổng quát giữa khả năng nguồn kinh phí và nhu cầu chi ngân sách nhà nước.

+ Kết quả phân tích, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng kinh phí chi ngân sách nhà nước kỳ báo cáo sẽ cung cấp các thông tin cần thiết cho việc lập dự toán.

Các nguồn chi cho bệnh viện công lập, thường gồm 4 nguồn chính là nguồn chi cho cá nhân, chi cho hoạt động chuyên môn, hoạt động mua sắm sửa chữa tài sản và các hoạt động khác. Đối với việc lập dự toán chi, phải căn cứ tình hình thực tế tại bệnh viện cũng như tổ chức các nguồn thu mà tiến hành lập dự toán cho phù hợp, đồng thời có thể sử dụng tiết kiệm nhất các nguồn chi.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: GIẢI PHÁP QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 27 - 30)