Năng lực của bộ máy quản lý tài chính tại bệnh viện
Năng lực của bộ máy quản lý tài chính trong các bệnh viện được quyết định bởi sức mạnh tổ chức bộ máy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý của các cán bộ quản lý tài chính tại bệnh viện.
Bộ máy quản lý tài chính tại bệnh viện cần được tổ chức đồng bộ, tinh gọn ở tất cả các khâu sao cho mức độ chuyên môn hóa được thực hiện hợp lý sẽ tạo điều kiện để thực hiện tự chủ tài chính hiệu quả. Ngược lại, bộ máy quản lý tài chính tại bệnh viện không chuyên môn hóa, thiếu sự phối hợp, thiếu đồng bộ sẽ cản trở quá trình thực hiện công tác quản lý tài chính ở các bệnh viện không hiệu quả.
Trình độ cán bộ quản lý là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các quyết định quản lý tài chính, qua đó quyết định đến sự thành, bại của công tác
quản lý tài chính tại đơn vị.
Đối với cơ quan quản lý cấp trên, nếu cán bộ quản lý tài chính có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn thì sẽ đưa ra được những biện pháp quản lý tài chính phù hợp, kịp thời và chính xác giúp cho hoạt động quản lý tài chính của bệnh viện đạt hiệu quả hơn.
Hệ thống kiểm soát nội bộ của bệnh viện
Hệ thống kiểm soát nội bộ là các quy định và các thủ tục kiểm soát do đơn vị xây dựng và áp dụng nhằm đảm bảo công tác quản lý tài chính tuân thủ đúng các quy định pháp luật, để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện sai sót nhằm thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn và tài sản của đơn vị.
Hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị bao gồm môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán và các thủ tục kiểm soát.
Môi trường kiểm soát là những nhận thức, quan điểm, sự quan tâm và hoạt động của lãnh đạo đơn vị đối với hệ thống kiểm soát nội bộ. Môi trường kiểm soát được đề cao sẽ giúp bệnh viện giảm thiểu những sai phạm trong công tác quản lý tài chính.
Thủ tục kiểm soát là các quy định do lãnh đạo đơn vị thiết lập và chỉ đạo thực hiện nhằm đạt mục tiêu quản lý hiệu quả. Thủ tục kiểm soát được tuân thủ sẽ giúp cho cán bộ quản lý tài chính phát hiện kịp thời các sai lầm để khắc phục.
Bệnh viện có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, hữu hiệu thì công tác quản lý tài chính sẽ được thuận lợi. Hệ thống kiểm soát nội bộ đảm bảo cho công tác quản lý tài chính được quan tâm thường xuyên; các thủ tục kiểm tra, kiểm soát được thiết lập đầy đủ, đồng bộ, giúp đơn vị phát hiện sai sót kịp thời, ngăn chặn các sai phạm trong hoạt động quản lý tài chính.
Phương hướng chiến lược phát triển của bệnh viện
Phương hướng chiến lược phát triển của bệnh viện quyết định trực tiếp tới hoạt động tài chính cũng như quản lý tài chính của đơn vị. Do đó, bệnh viện phải xác định được chính xác, đúng đắn phương hướng chiến lược phát triển của đơn vị để từ đó xây dựng các mục tiêu và giải pháp quản lý tài chính phù hợp. Đồng thời phải xem xét thận trọng các quyết định đầu tư, mua sắm và sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ phương pháp phân bổ và sử dụng các nguồn lực, hệ thống kiểm soát chi tiêu và chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho nhân dân. Hiện nay, nguồn NSNN cũng như các nguồn lực khác của bệnh viện còn rất hạn chế, là một thách
thức đối với công tác quản lý tài chính của bệnh viện công lập.
Ngày nay để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang ngày càng tăng lên trong điều kiện nền kinh tế hội nhập và toàn cầu hóa, phần lớn các bệnh viện ở nước ta đều xây dựng chiến lược phát triển của đơn vị theo hướng tăng trưởng, đầu tư tài chính cả về chiều rộng và chiều sâu.
Đội ngũ nhân lực chuyên môn
Con người là nhân tố trung tâm và quyết định sự phát triển và thành công của bệnh viện. Do đặc thù của bệnh viện là cung cấp các dịch vụ phục vụ cho chăm sóc sức khoẻ con người nên yếu tố nhân lực của bệnh viện lại càng quan trọng. Nó đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện phải vừa có y đức vừa có tay nghề chuyên môn tốt.
HIện nay, đội ngũ cán bộ quản lý bệnh viện mà trực tiếp là bộ phận quản lý tài chính là những người đưa ra các quyết định tài chính, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và sự phát triển của bệnh viện nói chung. Với đội ngũ cán bộ quản lý tài chính có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết và kinh nghiệm, năng động và trung thực, là điều kiện tiền đề để công tác quản lý tài chính của bệnh viện đi vào nền nếp và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính bệnh viện. Ngoài ra đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc ở tất cả các bộ phận khác nhau của bệnh viện, thông qua việc thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình, đều có ảnh hưởng đến quá trình quản lý tài chính bệnh viện.
Quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện
Ngày nay do kinh tế xã hội phát triển đòi hỏi quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện cũng phải tăng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân sẽ tạo điều kiện để tăng thu nhập và tăng thu chi tài chính của bệnh viện. Thực tế, khi quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tăng lên lại đòi hỏi các bệnh viện phải đầu tư mua sắm thiết bị, phương tiện hiện đại, kỹ thuật mới, thuốc mới cũng như phải đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý tài chính. Do đó, hoạt động quản lý tài chính bệnh viện trước những thách thức mới trong bối cảnh quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện hiện còn hạn chế.