3.1.1.1.Định hướng phát triển chung của ngành y tế
Việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới giúp thu nhập của người dân nâng cao rõ rệt, nhưng so với các nước phát triển, nước ta mới chỉ là quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong đó chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập. Như vậy, nhu cầu về chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân ngày càng nâng cao, nhưng đó là nhu cầu có khả năng thanh toán. Các số liệu thống kê trên phản ánh quan hệ giữa thu nhập và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ. Khi kinh tế tăng trưởng thì thu nhập của người dân tăng và do đó nhu cầu về chăm sóc và nâng cao sức khoẻ và mức tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ nhanh hơn mức tăng chi tiêu các khoản cho cá nhân.
Định hướng phát triển đến năm 2030, hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương được hoàn thiện, hiện đại, phù hợp với từng vùng, miền; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố vững chắc; y tế chuyên sâu, y tế mũi nhọn đặt ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Hài hòa giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò nòng cốt; kết hợp tốt y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc; mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng cao. Tài chính cho y tế chủ yếu từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế. Mọi người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe là quan điểm nhất quán của Đảng. Với bản chất nhân đạo và định hướng XHCN, Nhà nước đảm bảo cho mọi
người đều được chăm sóc sức khỏe cơ bản, có chất lượng, phù hợp với khả năng kinh tế của xã hội.
Tích cực và chủ động dự phòng chăm sóc sức khỏe theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách tạo ra lối sống, môi trường sống, lao động và học tập có lợi cho việc phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. Quan điểm này thể hiện sự coi trọng y tế công cộng, các giải pháp cộng đồng, và chú trọng tới các dịch vụ y tế.
- Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, việc phát triển y tế thông minh là yếu tố tất yếu. Trong đó, đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT và chia sẻ, liên thông dữ liệu trong ngành y tế là yêu cầu tất yếu trong việc xây dựng các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ các hoạt động y tế, hình thành nền y tế số, y tế thông minh. Ngành y tế định hướng chiến lược công nghệ thông tin y tế giai đoạn 2019-2025 nhằm đạt mục tiêu ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi; đồng thời để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử, tiến tới y tế số. Đến năm 2021, hoàn thành cơ bản hạ tầng số của ngành y tế bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng pháp lý, hạ tầng nhân lực. Đến năm 2025, hoàn thiện hạ tầng số của ngành y tế, phát triển và ứng dụng các công nghệ thông minh phục vụ cho các các hoạt động của ngành y tế. Tầm nhìn đến 2030, các công nghệ thông minh được triển khai rộng rãi trong ngành y tế. Mạng thông tin y tế số quốc gia được triển khai vận hành thông suốt. Hoàn thiện Kho dữ liệu y tế quốc gia, đảm bảo dữ liệu y tế được thu thập đầy đủ, toàn vẹn, nhanh chóng, kịp thời. 100% dịch vụ công y tế được cung cấp trên môi trường mạng; 100% các đơn vị trong ngành y hoạt động trên môi trường mạng, không giấy tờ.
3.1.1.2.Định hướng quản lý tài chính của ngành y tế
Đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính trong ngành y tế, tham mưu tăng nhanh đầu tư công cho y tế, phát triển y tế toàn dân; sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả để giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho
chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế...Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân.
Ngoài ra, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng y tế, nhất là công trình y tế trọng yếu, tạo điều kiện để phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện các chương trình, mục tiêu y tế; phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin có tính thống nhất quy hoạch; đảm bảo tính kết nối dọc, kết nối ngang trong toàn ngành y tế. Nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hệ thống thông tin y tế đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế.