Kinh nghiệm về quản lý tài chính tại một số bệnh viện tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: GIẢI PHÁP QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 39 - 42)

1.4.1.1. Kinh nghiệm quản lý tài chính tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện được xếp hạng bệnh viện đặc biệt theo Quyết định 1446/QĐ-BNV ngày 21/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước. Bệnh viện được Bộ Y tế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Quyết định số 1424/QĐ-BYT ngày 17/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bệnh viện hữu nghị Việt Đức có 1 viện và 10 trung tâm trực thuộc, 18 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng và 11 phòng chức năng. Hệ thống của bệnh viện có trên 50 phòng mổ, trong đó có hệ thống mổ nội soi ngang tầm thế giới, quy mô 1.500 giường.

Nguồn thu tài chính của bệnh viện gồm nguồn kinh phí do NSNN cấp, nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, nguồn viện trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật, nguồn khác. Các khoản chi bao gồm chi tiền lương, bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, chi nghiệp vụ chuyên môn và các khoản chi phí khác.

Để đảm bảo quản lý các khoản thu minh bạch, Bệnh viện đã gửi toàn bộ số thu từ hoạt động khám chữa bệnh vào KBNN, mở tài khoản chuyên thu và ủy quyền nhờ Ngân hàng thu hộ nhưng định kỳ đơn vị phải chuyển về tài khoản của đơn vị ở Kho bạc để quản lý chi tiêu và quyết toán.

Bệnh viện đã có nhiều giải pháp quản lý tài chính từ đó đạt được nhiều thành tựu nhất định:

+ Bệnh viện được trao quyền tự chủ tài chính nên đã chủ động mở rộng các hoạt động sự nghiệp, tăng nguồn thu. Nguồn thu sự nghiệp tăng đều qua các năm cho thấy tính tự chủ của bệnh viện ngày càng được nâng cao.

+ Bệnh viện đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ theo các văn bản hướng dẫn, căn cứ theo định mức nhà nước ban hành, tình hình thực hiện và khả năng nguồn ngân sách của đơn vị. Quy chế chi tiêu nội bộ được thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai cho toàn thể cán bộ trong bệnh viện và được nộp lên cho cơ quan chủ quản cấp trên. Các nội dung, định mức chi tiêu được quy định cụ thể, rõ ràng trong Quy chế chi tiêu nội bộ.

+ Bệnh viện đã thực hiện tiết kiệm chi để tăng chênh lệch thu- chi, từ đó tăng nguồn kinh phí phát triển hoạt động sự nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động. + Công tác quản lý tài sản Bệnh viện trong những năm qua đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng và hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác khám chữa bệnh đáp ứng với nhiệm vụ chuyên môn của ngành.

Tuy nhiên, nguồn thu của Bệnh viện vẫn còn hạn chế do chính sách giá hiện nay chỉ là một phần viện phí chưa được tính đúng, tính đủ chưa phản ánh đủ các yếu tố đầu vào theo quy trình chuyên môn kỹ thuật tiêu chuẩn. Đồng thời nguồn kinh phí NSNN cấp cho bệnh viện có xu hướng giảm khó có thể đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng gia tăng. Hiện nay, các nguồn thu khác của bệnh viện như thu từ nguồn viện trợ, nguồn vốn tham gia liên doanh liên kết của các tổ chức tín dụng và nguồn vốn huy động của các cán bộ, viên chức trong đơn vị còn thấp nên hoạt động xã hội hóa nguồn thu chưa thực sự tốt. Bệnh viện chưa phát huy đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ dịch vụ khám chữa bệnh. các đơn vị liên doanh, liên kết.

1.4.1.2. Kinh nghiệm quản lý tài chính tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Trong số các bệnh viện đã chuyển đổi mô hình hoạt động, Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị đạt nhiều kết quả rõ nét nhất trong công tác quản lý tài chính. Không

chỉ tự chủ về tài chính, đơn vị còn tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, được Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương lựa chọn nghiên cứu để nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

Ðể có được mô hình bệnh viện tự chủ thành công, tập thể lãnh đạo quản lý phải chủ động, sáng tạo và quyết tâm. Mặt khác, phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động. BV đã chủ động đầu tư các thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm mầu 4D, siêu âm tim, máy CTScanner, máy sinh hóa tự động, máy thận nhân tạo…

Ðể nâng chất lượng chuyên môn, Bệnh viện cũng cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại. Cơ chế tự chủ tạo động lực cho cán bộ y tế qua mức thu nhập dựa trên các tiêu chí phân loại, bình xét hiệu quả công việc hằng tháng. Minh bạch tài chính, môi trường làm việc lành mạnh là cách bệnh viện thu hút người giỏi, chủ động nguồn quỹ đẩy mạnh tái đầu tư và hoạt động từ thiện hướng đến vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Từ chỗ nguồn thu dịch vụ y tế năm 2005 chỉ đạt 22,5 tỷ đồng/năm, sau mười năm tự chủ, năm 2015 con số này đạt 621 tỷ đồng, tăng gần 30 lần; năm 2016 đạt 840 tỷ đồng. Tháng 3-2017, bệnh viện Tim Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế. Sau khi được tự chủ hoàn toàn, doanh thu năm 2017 của bệnh viện đạt hơn 900 tỷ đồng, cán bộ, công nhân viên có mức thu nhập cao nhất trong khối các bệnh viện công lập của Hà Nội hiện nay. Ngoài ra, quy mô giường bệnh cũng được mở rộng theo từng năm. Hiện tại, số giường bệnh là 363 giường, trong năm 2018 sẽ phát triển lên 380 giường, năm 2019 là 550 giường và năm 2020 là 750 giường.

Để quản lý tài chính minh bạch và hiệu quả, Bệnh việc đã mở tài khoản tại NHTM cổ phần Công thường để theo dõi và quản lý nhưng khi sử dụng phải chuyển về tài khoản của đơn vị ở KBNN để quản lý việc chi tiêu và quyết toán. Thực hiện kiểm kê quỹ tiền mặt thường xuyên và đột xuất. Đồng thời, Bệnh viện tổ chức theo dõi, quản lý và hạch toán đầy đủ các chi phí đối với từng hoạt động, đăng ký và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định tại TT số 128/2011/TT-BTC ngày 12/9/2011 của Bộ Tài chính. Việc sử dụng hóa đơn, chứng từ khi thu tiền KCB

của Bệnh viện cũng được quản lý chặt chẽ. Giám đốc Bệnh viện căn cứ vào tiêu chuẩn, chế độ do Nhà nước quy định thực hiện duyệt dự toán và quyết toán gửi Kho Bạc Nhà nước nơi giao dịch để kiểm soát chi theo quy định. Đồng thời, chi mua sắm TSCĐ cũng được quản lý chặt chẽ, thực hiện theo đúng quy định.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: GIẢI PHÁP QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 39 - 42)