Sau khi Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật có hiệu lực, Ủy ban nhân dân huyện Tây Hòa chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện tổ chức quán triệt, triển khai nội dung Quyết định đến các cơ quan, đơn vị huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn biết, thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 62 Tủ sách pháp luật, trong đó: 11 Tủ/11 xã, thị trấn (đạt 100%) và 51 Tủ/73 thôn, khu phố (đạt 69%) [24]. Tủ sách pháp luật được đặt tại trụ sở làm việc, nơi có vị trí thuận tiện để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân có thể đọc hoặc mượn đọc sách, báo, tài liệu pháp luật.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch được phân công phụ trách các Tủ sách pháp luật tại Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và Trưởng thôn, Trưởng khu phố được phân công phụ trách Tủ sách pháp luật tại các thôn, khu phố, có quy chế quản lý và sổ theo dõi rõ ràng, khoa học, thuận tiện để cán bộ, công chức và nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận không những các tài liệu pháp luật liên quan trực tiếp đến công việc, đời sống xã hội mà còn là những quy định mới được ban hành.
Được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương. Tủ sách pháp luật đã được đầu tư mua thêm sách, tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, tại mỗi Tủ sách pháp luật đã có hơn 200 đầu sách pháp luật và các loại sách hướng dẫn nghiệp vụ, các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị định có liên quan trực tiếp đến Nhân dân, tài liệu phổ thông như sách hỏi đáp, giải thích pháp luật, tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,..
Số lượt người đọc/mượn đọc tại Tủ sách pháp luật trung bình hàng năm với hơn 210 lượt, do đó đã góp phần phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức nói riêng và nhân dân nói chung về các lĩnh vực pháp luật thiết yếu với đời sống, công việc hàng ngày.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Tủ sách pháp luật vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Bởi, thực tế thực hiện thời gian qua trên địa bàn huyện cho thấy, số lượng đầu sách, tài liệu pháp luật còn ít, chưa phong phú; việc nhiều văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được ban hành mới do đó việc cập nhật những nội dung, đầu sách, tài liệu mới còn nhiều hạn chế, phần lớn trong Tủ sách pháp luật là các văn bản Luật, tờ rơi, tờ gấp chứ chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tại các địa điểm đặt Tủ sách pháp luật chưa có phòng đọc riêng. Hơn nữa, Tủ sách pháp luật chỉ hoạt động vào giờ hành chính – đây cũng là thời gian lao động của người dân. Chính những lý do trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức hút của Tủ sách pháp luật. Mặt khác, người phụ trách Tủ sách pháp luật là kiêm nhiệm, phải thực hiện nhiều công việc khác, không có thời gian đầu tư, cũng như chưa được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ quản lý Tủ sách pháp luật nên chưa chủ động, quan tâm nhiều đến hoạt động của Tủ sách pháp luật dẫn đến việc chưa phát huy được tác dụng của Tủ sách pháp luật. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho Tủ sách pháp luật tại địa phương còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu bổ sung số lượng đầu sách mới hàng năm.