7. Kết cấu của luận văn
2.1 .4 Quy định về mối quan hệ giữa Kiểm sát viên và các cơ quan tố
tụng khác
- Mối quan hệ giữa Kiểm sát viên với cơ quan điều tra.
Cơ quan điều tra là cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thông qua các điều tra viên để xác định sự thật của vụ việc đã xảy ra một cách khách quan, chính xác và toàn diện.
Trong hệ thống tư pháp, điều tra và công tố luôn là mắt xích quan trọng, phục vụ đắc lực cho mục đích phát hiện chính xác kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Hoạt động kiểm sát của KSV có quan hệ mật thiết với cơ quan điều tra, đặc biệt trong tư pháp hình sự. Pháp luật đã quy định mối quan hệ chặt chẽ giữa các khâu phát hiện, điều tra tội phạm và luận tội nhằm mục đích truy tố chính xác tội phạm và kẻ phạm tội ra trước tòa.
Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, Kiểm sát viên thực hiện quyền khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố theo ủy quyền của Viện trưởng VKSND cấp
mình. Kiểm sát viên có quyền yêu cầu hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt
động điều tra theo luật định. Khi kiểm sát việc điều tra của cơ quan điều tra, đảm bảo việc điều tra đúng pháp luật, Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các họat động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, có quyền yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong quá trình điều tra, cung cấp tài liệu khi cần và khi điều tra viên vi phạm pháp luật. Đồng thời báo cáo Viện trưởng viện kiểm sát cấp mình khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra để Viện trưởng có quyết định kịp thời, đảm bảo điều tra đúng tiến độ.
Như vậy, Kiểm sát viên là người trực tiếp kiểm tra giám sát cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Kiểm sát viên (trường hợp không đồng ý, cơ quan điều tra có quyền kiến nghị lên Viện kiểm sát cấp trên). Để hoạt động điều tra của cơ quan điều tra đảm bảo tính khách quan, toàn diện và chính xác, rất cần hoạt động kiểm sát của Kiểm sát viên VKSND - người thực hiện chức năng đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
- Mối quan hệ giữa Kiểm sát viên với Tòa án.
Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng xét xử. Thực hiện
chức năng công tố là chức năng riêng có của VKSND theo ủy quyền của Viện trưởng, tại phiên tòa xét xử hình sự, Kiểm sát viên đọc Cáo trạng, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát và tham gia tranh tụng. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự thì sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên tòa là điều kiện để phiên tòa diễn ra hợp pháp, nếu Kiểm sát viên vắng mặt mà không có Kiểm sát viên dự khuyết thay thế, phiên tòa phải hoãn lại. Tại phiên toà, chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. Với những quy định này, Tòa án đã góp phần nâng cao chất lượng tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đảm bảo những lập luận đầy đủ, thuyết phục của Kiểm sát viênkhi bảo vệ quan điểm của VKSND.
Ngoài chức năng thực hành quyền công tố, Kiểm sát viên còn thực hiện kiểm sát việc xét xử của tòa án, đảm bảo tòa án xét xử đúng người, đúng tội. Khác với mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và Kiểm sát viên mối quan hệ này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn xét xử. Giai đoạn này, Tòa án thực hiện chức năng xét xử còn Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát việc thực hiện chức năng ấy, đồng thời duy trì chức năng kiểm sát, cùng với Tòa án xác định sự
thật của vụ án để xét xử khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- Mối quan hệ giữa Kiểm sát viên với cơ quan thi hành án.
Trong chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKSND có công tác kiểm sát thi hành án và Pháp lệnh thi hành án cũng quy định VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan thi hành án, chấp
hành viên... Có nghĩa giữa cơ quan thi hành án và Kiểm sát viên tồn tại một
quan hệ chặt chẽ. Bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, và cơ quan thi hành án là người chịu trách nhiệm chính. Việc bản án, quyết định của tòa án được thi hành trên thực tế mới đảm bảo được tính giáo dục phòng ngừa đối với cộng đồng, mới khẳng định được sự nghiêm minh của pháp luật. Thời điểm án được thi hành cũng là thời điểm Kiểm sát viên hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với một vụ án cụ thể. Thực hiện công tác kiểm sát thi hành án Kiểm sát viên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đúng quy định, tự kiểm tra việc thi hành, trực tiếp kiểm sát việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, quyền kháng nghị và yêu cầu khi có căn cứ đối với cơ quan thi hành án... Pháp luật hiện hành quy định cơ quan thi hành án không phải là cơ quan độc lập mà chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan hành chính nhà nước, và sự quản lý về chuyên môn của Cục Thi hành án trực thuộc Bộ tư pháp, điều này đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng thi hành án, vấn đề này sẽ được sửa đổi khi luật thi hành án ra đời. Khi cơ quan thi hành án là một cơ quan độc lập, mối quan hệ với Kiểm sát viênsẽ có sự thay đổi.
- Mốiquan hệ giữa Kiểm sát viên với luật sư.
Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, được Bộ tư pháp công nhận quyền tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác (khi có đủ tiêu chuẩn theo luật định) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Khác với ba mối quan hệ trên, mối quan hệ giữa Luật sư và Kiểm sát viên là quan hệ giữa hai chức danh tư pháp có những khác biệt cơ bản. Nếu như Kiểm sát viên đại diện cho quyền lực nhà nước, thực hiện quyền công tố theo ủy quyền của Viện trưởng, tức là người buộc tội, thì luật sư là người đại diện cho người bị Kiểm sát viên truy tố (thân chủ), là người “gỡ tội”, bảo vệ cho thân chủ của mình tại phiên tòa. Mối quan hệ này thể hiện khá rõ trong quá trình tranh luận tại phiên tòa. Quan điểm của Kiểm sát viên và của Luật sư được thể hiện sẽ giúp hội đồng xét xử có cái nhìn toàn diện, khách quan
chính xác. Sự có mặt thường xuyên của luật sư tại các buổi hỏi cung sẽ khắc
phục được những vi phạm tố tụng, tránh được tình trạng phản cung của bị cáo tại phiên tòa, có những vụ án nhiều tình tiết mới được luật sư phát hiện và được điều tra bổ sung góp phần rất lớn vào việc xét xử đúng người đúng tội của tòa án. Những hoạt động này của Luật sư đã hỗ trợ, bổ sung cho hoạt động kiểm sát của Kiểm sát viên tại tòa, phát huy được khả năng của mình khi thực hiện quyền công tố.
Như vậy, Luật sư và Kiểm sát viên có mối quan hệ hỗ trợ bổ sung trong việc đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và bảo vệ pháp chế. Chính điều này đã và đang góp phần hình thành đội ngũ Kiểm sát viên, luật sư tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.