Kết quả khảo sát cho thấy bệnh vàng lá thối rễ (VLTR) trên vườn cam Sành tại huyện Tam Bình khá phổ biến với 40% số vườn có mức độ nhiễm từ trung bình đến nặng, 60% số vườn ở mức độ nhẹ (Hình 4.10).
Kết quả khảo sát tỷ lệ bệnh vàng lá thối rễ trên vườn cam Sành có liên quan đến tuổi liếp. Vườn cam Sành có tuổi liếp ≤ 15 năm tuổi có tỷ lệ bệnh vàng lá thối rễ thấp (10,49%), khác biệt có ý nghĩa thống kê so với vườn có tuổi liếp trên 15 năm tuổi (21,28%) (Hình 4.11). Theo kết quả nghiên cứu của Võ Thị Gương và ctv. (2016) cho thấy hầu hết các vườn trồng cây cam, quýt có tuổi liếp trên 15 năm tuổi, đất bạc màu thể hiện qua pH và hàm lượng CHC trong đất thấp, nghèo N hữu cơ dễ phân hủy, N hữu dụng, cation trao đổi như Mg2+, Ca2+ và độ bảo hòa base đều thấp, nhất là hoạt động của vi sinh vật đất rất thấp. Trong nghiên cứu trước đây, trong đất có độ hoạt động của enzyme urease, catalase cao, mật số vi sinh vật gây bệnh trong đất giảm thấp có ý nghĩa so với đối chứng (Zhang et al., 2017). Khả năng hoạt động của vi sinh vật trong đất đóng vai trò kiểm soát sinh học bệnh hại trong đất (Sharon et al., 2001; Howell, 2003; Kumar et al., 2007; El–Mohamedy et al., 2012; Cheng et al., 2020).
Khi đất vườn cây ăn trái được bón phân hữu cơ, các đặc tính hóa lý và sinh học đất được cải thiện đáng kể, góp phần tăng năng suất trái (Adiaha, 2017; Prima et al., 2018).
Hình 4.11 Đánh giá tỷ lệ bệnh vàng lá thối rễ trên tuổi liếp
Ghi chú: Các chữ cái a,b,c…trên mỗi cột thể hiện khác biệt ý nghĩa qua kiểm định Tukey 5%(*) và thanh sai số trên đồ thị biểu thị độ lệch chuẩn (SD).