Những dấu vết của kawaii từ mĩ học truyền thống

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ sáng tác của yoshimoto banana từ góc nhìn thẩm mĩ kawaii (the works by yoshimoto banana from the perspective of kawaii aesthetics) (Trang 44 - 47)

Chương 2 : THẨM MĨ KAWAII

2.2. Kawaii trong dòng riêng Nhật Bản

2.2.2. Những dấu vết của kawaii từ mĩ học truyền thống

Văn học Nhật Bản có một mô hình phát triển khá đặc biệt: thu nhận tất cả và không loại bỏ gì hết: haiku không xóa bỏ waka, kabuki không thay thế Noh

Kyogen. Không có sự xung đột một mất một còn giữa cái cũ và cái mới. Do đó, những khái niệm thẩm mĩ của người Nhật thuở trước vẫn còn cho đến ngày nay:

mono no aware thời Heian, yugen thời Kamakura, wabisabi thời Muromachi, iki

thời Tokugawa... Vậy, mối liên hệ giữa kawaii với những thẩm mĩ truyền thống ra sao? Giữa chúng, là một sự đứt gãy hay là sự tiếp biến?

Người Nhật ở từng thời kì, do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, sẽ có những tình cảm thẩm mĩ khác nhau. Cảm thức thẩm mĩ chủ đạo thời Heian là mono no aware ((物の哀れ - bi cảm nhân sinh) và miyabi (雅 - nhã). Aware (mono no aware)được hiểu là nỗi buồn sự vật / “vật ai”, là cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng, luyến tiếc trước vẻ đẹp luôn biến đổi của sự vật (thiên nhiên và con người). Miaybi

là sự tinh tế, tao nhã trong mối quan hệcon người - thiên nhiên, biểu hiện chủ yếu là ở thái độ ngưỡng vọng, nâng niu những tạo vật mong manh, nhỏ bé. Hai thẩm mĩ này nói về mối quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên: trân trọng, nâng niu những tạo vật nhỏ bé của đất trời, từng cọng cỏ, một giọt sương trên lá, một cánh chuồn..., và chúng được sản sinh trong bối cảnh giai cấp quý tộc đang chi phối và là những người làm nên phong cách của thời đại Heian. Lối sống của quý tộc khiến xu hướng thẩm mĩ của họ trở nên tinh tế, trau chuốt, cầu kì, thậm chí là xa hoa, lấy nghệ thuật làm thú vui, đề cao cái đẹp. Do đó, trong lòng họ nảy lên những niềm bi cảm nhân sinh đầy bâng khuâng tiếc nuối đối với cái đẹp đang độ tròn đầy. Điều này ta có thể thấy rõ trong Truyện Genji và Vạn diệp tập. Các cảm thức này đều có

nguồn gốc từ Phật giáo thiền tông và Thần đạo với triết lí “vạn vật hữu linh” và “chư hành vô thường”, (無常 mujo). Vô thường nghĩa là “không chắc chắn”, luôn

40

“thay đổi”, “không trường tồn”. Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, là thành, trụ, hoại, không (sinh, trụ, dị, diệt). Những thuật ngữ như sabi, wabi, yugen, karumi... đều được phái sinh từ mujo. Có thể thấy, tất cả những phạm trù thẩm mĩ này đều gặp gỡ nhau ở tình yêu và sự nâng niu trân trọng mà con người dành cho vạn vật. Đây cũng chính là bản chất của kawaii: đề cao những vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên, chân thành, và thái độ trân trọng cuộc sống, trân trọng thực tại.

Yugen (湯源: u huyền) vốn là một từ Hán Nhật. Về từ vựng, yu (u), nghĩa là không rõ ràng, mờ ảo, bí ẩn, sâu xa; gen (huyền) là màu huyền (màu đen ánh đỏ - màu của vua chúa Trung Quốc). N. I. Konrat quan niệm: “Yugen là một cái gì sâu vô cùng tận, thâm thúy đến mức không nhìn rõ. Goeth cũng từng nói tới một cái gì thầm kín, cái đẹp đó là sự diễu hành của những điều thầm kín trong tự nhiên” [85, 12]. Trong cuốn Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, tác giả Nhật Chiêu nhận định yugen “là cảm thức về cái sâu thẳm, u ẩn và huyền diệu của vạn vật” [12, 145]. Như vậy, nhìn chung, yugen dùng để chỉ những cảnh giới sâu xa, vi diệu và thần bí mà con người không dễ dàng nắm bắt được. Tuy nhiên trong thơ hòa ca (waka) (thời kì trung đại), đây lại là từ dùng để chỉ một trạng thái lí tưởng mà ở đó vẻ đẹp tao nhã đóng vai trò chủ đạo khiến nảy sinh những cảm xúc hay tâm trạng sâu xa nằm ngoài ngôn ngữ. Kawaii cũng là vẻ đẹp không thể diễn tả bằng lời, chú trọng vào cảm xúc ngay tại thời điểm mà người ta đang cảm nhận về vẻ đẹp đó.

Wabisabi là hai khái niệm thường được xếp cạnh nhau. Vềmặt từ vựng, wabi (侘び–đà) vốn được danh từ hóa từ động từ wabu và tính từ wabishii. Wabu là suy giảm, phai nhạt. Wabishii chỉ vẻ đơn sơ, thanh đạm. Dần dần, wabi phát triển thành một phạm trù mĩ học và được thể hiện trên nhiều phương diện văn hóa Nhật Bản. Nhật Chiêu: “Sự dung dị là điều ta thấy được qua nguyên lí thẩm mĩ wabi (đà)được phát triển đầu tiên trong nghệ thuật trà đạo. Nguyên lí này cho rằng cái đẹp chính là sự đơn sơ, thanh tịnh. Cả sự đơn sơ cũng chứa đựng một sự nhiệm màu không ngờ” [12, 274]. Theo Suzuki Setsuko: “Đây là một khái niệm đạo đức và mĩ học đề xướng ra sự tuyệt diệu của cuộc đời nhàn tịch, thanh thản, lìa xa khỏi thế tục. Bắt

41

nguồn từ những ẩn sĩ thời trung đại, khái niệm này nhấn mạnh đến tinh thần cao viễn, tịch tĩnh với cái đẹp giản phác, nguyên sơ” [188]. Còn với V.V Otrinnicop: “Wabi–đó là sự vắng mặt của một cái gì đấy cầu kì, sặc sỡ cố ý mà theo quan điểm của người Nhật là sự tầm thường. Wabi – đó là vẻ đẹp thường ngày, là sự chừng mực thông minh, là cái đẹp của sự giản dị… Và người Nhật đã tìm thấy đánh giá cái đẹp ở tất cả mọi cái quanh con người trong cuộc sống thường ngày, và trong mỗi đồ vật sinh hoạt thường ngày” [122, 62]. Về từ vựng, sabi vốn được danh từ hóa từ động từ sabu có nghĩa là suy tàn, phai nhạt theo thời gian. Wabi có nghĩa là trạng thái tĩnh lặng khi con người qua đời cũng có nghĩa là lớp mốc xanh trên đồ đồng xưa. Fujiwara no Toshinari (1114 - 1204), Zeami (1363-1443), Zenchiku (1405- 1468) coi sabilà tịch lặng, hoang liêu, cô quạnh, tự nhiên (tịch). Zenchiku dùng từ

sabuđể miêu tả cảnh đámlau sậy ven biển lụi tàn vì sương gió. Sen no Rikyu –bậc thầy trà đạo thế kỉ XVI - thường ghép wabisabiđể đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đơn giản. “Sabi là linh hồn của tịch liêu và xa xưa. Đó là niềm tịch tĩnh mà trong những kinh nghiệm thiền quán mà người ta cảm thấy” [12, 273]. Vẻ đẹp này cũng được nhắc đến trong cuốn tản văn Ca tụng bóng tối, Junichiro Tanizaki đã nêu lên niềm yêu

thích của người Nhật dành cho những đồ vật mang dấu vết của bụi bặm, bồ hóng và lớp bóng, gợi nhắc đến quá khứ đã tạo ra chúng – một vẻđẹp nhuốm màu thời gian. Ở phương diện này, chúng ta thấy, kawaii cũng đề cao vẻ đẹp giản dị quanh cuộc sống thường nhật của con người như wabi và cũng quan trọng giá trị của thực tại như khoảnh khắc mà thiền định mà sabi hướng tới.

Nói như Numano Mitsuyoshi, “Nếu bạn tập hợp tất cả các từ chính của mĩ học Nhật Bản, từ mono no awaređến kawaii, thì chúng ta sẽ thấy một điểm chung: mong muốn đạt được sự thống nhất với thế giới, mong muốn thưởng thức sâu sắc và khó nắm bắt những cảm giác, sự thôi thúc muốn trải nghiệm khoái cảm từ những điều nhỏ nhặt, tinh tế, khó định nghĩa, trừu tượng được diễn đạt một cách ẩn dụ. Quan trọng nhất ởđây là sự hài hòa từ ngữ.”[189] Có thể nói, kawaiilà kết quả của một sự vận động tất yếu của đời sống văn hóa xã hội Nhật Bản, nảy sinh trong bối cảnh chịu sự tác động mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây nhưng gốc rễ lại là

42

những ý thức thẩm mĩ tồn tại lâu đời trong văn hóa Nhật Bản. Thoạt nhìn, kawaii có vẻ chẳng liên quan mấy với mĩ học truyền thống, nhưng xem xét kĩ, khái niệm này lại rất liên quan đến những nền tảng thẩm mĩ thuần Nhật như mono no aware, wabi, sabi, yugen... trước hết là ở các điểm sau:

Thái độ trân trọng, nâng niu vạn vật

 Hướng tới cái đẹp trong sự không hoàn hảo, không vĩnh cửu. Đối với người Nhật, sự không hoàn hảo sẽ khiến cuộc sống trở nên thi vị hơn. Như hoa anh đào đẹp vì nó không kéo dài mãi mãi: chóng nở, chóng tàn. Đây cũng là tiêu chuẩn đánh giá thẩm mĩcủa người Nhật.

 Không biểu đạt những hiện thực đơn thuần mà thiên về những hiện thực bên trong con người, biểu đạt thế giới nội tâm phong phú, sâu xa, nằm ngoài ngôn ngữ và mang tới cho con người những cảm xúc khó diễn tả

 Đích đến không phải chỉ là để tri nhận đối tượng mà là để tận hưởng những điều tinh tế, tuyệt vời nhất về cuộc sống.

Kawaii là sự kết tinh tuyệt vời của mĩ học truyền thống. Sự ra đời của kawaii

như là câu trả lời tất yếu cho câu hỏi về bước chuyển mình của đời sống xã hội và văn hóa ở xã hội Nhật Bản - chuyển mình để phát triển, thay đổi để phát triển những giá trị đã có.

Như vậy, không khác với những thẩm mĩ truyền thống, kawaii cũng theo đuổi những vẻ đẹp tao nhã, mong manh, hài hòa, tinh tế, coi trọng và nâng niu những cảm xúc hồn nhiên, giản dị nhất của tâm hồn con người. Nhà xã hội học Nobuyoshi Kurita, Đại học Musahi (Tokyo) đã khẳng định rằng, kawaiilà một “từ ngữ ma thuật, truyền tải tất cả sự đồngthuậnvà mong muốn của con người Nhật Bản” [190].

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ sáng tác của yoshimoto banana từ góc nhìn thẩm mĩ kawaii (the works by yoshimoto banana from the perspective of kawaii aesthetics) (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)