Về mức độ tiếp thu kiến thức của HS
Sau khi kết thúc hoạt động thực nghiệm, chúng tôi tập trung quan sát sự thay đổi về ý thức, và khả năng tiếp thu của HS trong hoạt động học tập, trong đó, chúng tôi chú trọng vào một số kỹ năng thể hiện TDPB của HS như thảo luận, đặt câu hỏi, tự đánh giá, xem xét các vấn đề, khả năng lập luận...Sự thay đổi được thể hiện rõ ràng giữa HS sau thực nghiệm so vớiHS trước thực nghiệm và giữa HS lớp thực nghiệm với HS lớp đối chứng qua một số đặc điểm sau:
1.Thái độ tích cực đón nhận kiến thức trong giờ học.
Trong quá trình học tập, bằng việc kết hợp TDPB, HS được suy nghĩ và thể hiện suy nghĩ của mình với các bạn và GV. Việc được bày tỏ quan điểm và được sự chú ý giúp HS có thêm sự tự tin, hứng khởi. HS được là một phần của quá trình phát hiện và giải quyết vấn đề, điều này khiến HS trở nên tích cực và trách nhiệm hơn với vai trò của mình.
2. Các thao tác tư duy của HS trở nên nhuần nhuyễn hơn.
Trong quá trình học tập, HS được tạo môi trường để rèn luyện các thao tác này từ GV và cũng chính từ môn Đại số 7.
3. Mức độ tập trung của HS được nâng cao, HS phát triển năng lực giao tiếp.
Trong quá trình học tập theo cách rèn luyện TDPB, HS là trung tâm của hoạt động dạy và học. Vì vậy, HS đòi hỏi phải có sự tập trung lắng nghe những nhiệm vụ, hướng dẫn, điều chỉnh...của GV trong suốt thời gian học .
4. HS được nâng cao khả năng đánh giá và tự đưa ra đánh giá cho bản thân.
Việc trao đổi thông tin giữa GV và HS giữa HS và HS trong quá trình học tập giúp nâng cao khả năng suy luận cho chính bản thân HS, đồng thời cũng là cơ hội để HS có thể đưa ra những đánh giá về một sự vật, hiện tượng và cụ thể là một vấn đề Toán học.
5. Kết quả từ bài kiểm tra.
Như đã đưa ra nhận xét ban đầu ở trên, chúng tôi thấy rằng kết quả kiểm tra của lớp thực nghiệm cho thấy sự hiệu quả trong việc tiếp thu kiến thức của HS cao hơn so với HS lớp đối chứng. Và quả thực, trong quá trình diễn ra hoạt động thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy rằng, HS ở lớp thực nghiệm có sự phát triển về khả năng sử dụng TDPB so với thời điểm trước khi thực nghiệm. Ngoài ra, khả năng sử dụng TDPB của lớp này cũng thể hiện ở mức độ cao hơn nhiều so với HS ở lớp đối chứng. Điều này là nguyên nhân của việc cùng một nội dung kiểm tra nhưng kết quả của HS thực nghiệm phân bố ở tỉ lệ khá giỏi cao hơn, tỉ lệ điểm trung bình, điểm yếu thấp hơn nhiều.