Tình hình nghiên cứu và chăn nuôi gà Sao ở trong nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng của một số loại thức ăn trong chăn nuôi gà Sao giai đoạn sinh trưởng ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Trang 29 - 33)

1.2.2.1 Nghiên cứu về sinh trưởng của gà Sao

Ở Việt Nam, gà Sao xuất hiện từ thế kỷ 19 do người Pháp nhập vào nuôi làm cảnh. Đến năm 2002, Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương nhập 3 dòng gà Sao từ Viện Nghiên cứu Tiểu Gia súc Gödöllő - Hungary gồm dòng lớn, dòng trung và dòng nhỏ [28]. Nghiên cứu bước đầu 3 dòng gà Sao cho thấy rằng, 3 dòng gà Sao được nhập từ Hungary có đặc điểm ngoại hình đặc trưng và đồng nhất, gà con 01 ngày tuổi có màu lông cánh sẻ, khi trưởng thành gà Sao có đặc điểm là bay giỏi như chim, lông màu xám ghi, được điểm các vệt trắng nhạt, thân hình thoi, đầu không có mào thay vào đó là mấu sừng [28][48][106]. Gà Sao dòng lớn có khối lượng cơ thể vượt trội so với dòng nhỏ và dòng trung. Cả

3 dòng gà Sao có khả năng thích nghi tốt với điều kiện Việt Nam, thể hiện tỷ lệ nuôi sống ở giai đoạn gà con, dò, hậu bị đạt từ 97,0 - 99,9%, giai đoạn sinh sản đạt 90,1 - 94,7% [29][30].

Gà Sao nuôi lấy thịt từ 1- 12 tuần tuổi, dòng lớn có khả năng sinh trưởng cao nhất đạt 1880 g/con, cao hơn dòng trung (1380 g/con) và dòng nhỏ (1368 g/con) [41]. Tỷ lệ thịt xẻ của 3 dòng gà Sao đạt từ 76,6 đến 77,1%; tỷ lệ thịt đùi và thịt ngực đạt từ 51,1 đến 51,7%. Tỷ lệ protein trong thịt đùi là 21,1% và thịt ngực là 24,3% [41].

Hiện nay, gà Sao đã được Viện Chăn nuôi chuyển giao nuôi rộng rãi ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi [2]. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, một số nghiên cứu trên gà Sao cho kết quả tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng dòng trung nuôi đến 16 tuần tuổi là 3,34 - 3,41 kg và 2,90 - 3,43 kg; tỷ lệ nuôi sống giai đoạn 6 - 16 tuần tuổi đạt 100% [9][32]. Tỷ lệ thịt ức 24,1 - 25,5%; tỷ lệ thịt đùi 12,5 - 12,9% [32].

Nguyễn Đức Hùng (2008) nghiên cứu khả năng thích nghi, sinh trưởng và sức sản xuất của gà Sao nuôi tại Thái Nguyên cho thấy, gà Sao có khả năng chống chịu bệnh tốt ở giai đoạn 0 - 12 tuần tuổi tỷ lệ nuôi sống đạt 97,0% [12]. Chúng ít bị các bệnh truyền nhiễm mà các giống gà khác hay bị lây nhiễm. Trong điều kiện cho ăn tự do, khối lượng trung bình của gà lúc 2 tuần tuổi đã tăng 2,5 lần so với sơ sinh; lúc 3 tuần tuổi tăng 4,64 lần so với sơ sinh, lúc 10 tuần tuổi tăng 44,20 lần so với sơ sinh và ở 12 tuần tuổi, khối lượng trung bình của gà Sao đạt tới 1624 g/con, tăng gấp 57,95 lần so với sơ sinh [12].

Nguyễn Đình Thái (2009) khi nghiên cứu khả năng sản xuất của giống gà Sao tại Bình Định, kết quả cho thấy khối lượng cơ thể gà lúc 12 tuần tuổi đạt từ 1402 - 1817g [31]. Khả năng thu nhận thức ăn trong giai đoạn từ 1 - 12 tuần tuổi từ 2981 - 3263 g, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng của gà Sao đạt từ 2,17 kg đến 2,36 kg. Tỷ lệ nuôi sống đạt từ 92,0 - 97,9%, chất lượng thịt với tỷ lệ thịt đùi,

thịt ngực đạt từ 51,3 - 52,8%, tỷ lệ mỡ bụng từ 0,8% đến 2,4% [31].

Kết quả nghiên cứu trên đàn gà Sao nuôi thịt (Phùng Đức Tiến, 2006) cho thấy khối lượng gà lúc 12 tuần tuổi đạt 1,41 - 1,89 kg, tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng là 2,34 - 2,53 kg [28]. Tỷ lệ mỡ bụng của gà Sao thấp (0,6 - 1,1%). Các acid amin không thay thế trong thịt, đặc biệt là acid amin đánh giá độ ngọt của thịt là aspartic và glutamic rất cao [28][29].

Tỷ lệ thân thịt của gà Sao lúc 12 tuần tuổi đạt trung bình 79,5%; tỷ lệ thịt đùi cộng với thịt ngực khá cao (43,2%), cao hơn nhiều so với gà Lương Phượng và một số giống gà của Việt Nam [28]. Đây là ưu thế về khả năng sản xuất thịt của gà Sao. Các nghiên cứu khác cho biết, tỷ lệ thịt đùi cộng với ngực của gà Lương Phượng đạt 34,7% [36]; của gà Ri trống đạt 38,2% và gà Ri mái đạt 34,8% [7]; của gà trống Đông Tảo là 41,5%, gà mái Đông Tảo là 41,0% [21]. Như vậy, so với gà Lương Phượng, tỷ lệ thịt đùi và ngực của gà Sao cao gấp gần 1,3 lần. Trong khi đó, tỷ lệ mỡ bụng của gà Sao chỉ 1%, thấp hơn nhiều so với gà Lương Phượng ở 10 tuần tuổi [21]. Đoàn Xuân Trúc và cs. (2000) cũng cho biết, tỷ lệ mỡ bụng của gà Kabir lúc giết thịt đạt tới 2,2% [36].

Khi nghiên cứu về khả năng sinh trưởng của gà Sao, Nguyễn Đức Hùng (2008) cho rằng tốc độ sinh trưởng nhanh khi nuôi trong điều kiện cho ăn tự do và nuôi tập trung [12]. Gà Sao lúc 1 tuần tuổi đạt 70 g; đến 6 tuần tuổi đã đạt 594 g và đến 12 tuần tuổi đạt 1624 g, khả năng ăn vào thức ăn của gà tăng liên tục theo lứa tuổi. Gà Sao ở 12 tuần tuổi nhu cầu thức ăn hàng ngày là 50 g/ngày (4200 g/84 ngày), ở độ tuổi lớn hơn ăn vào thức ăn/gà/ngày cũng chỉ đạt 80 g [12], thấp hơn nhiều so với các giống gà chuyên thịt và kiêm dụng khác (lượng thức ăn ăn vào trung bình/gà/ngày trong giai đoạn sinh trưởng của gà V135 và AV35 từ 97 - 100 g của gà Ross - 208 từ 92 - 97 g [27], của gà Lương Phượng 10 tuần tuổi là 133 g [68]. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng có xu hướng tăng liên tục theo lứa tuổi. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng tăng từ 1,65 kg (giai đoạn từ 0 - 1 tuần tuổi) tăng lên 2,81 kg (từ 11 - 12 tuần tuổi). Tổng hợp cả quá trình

nuôi dưỡng từ 0 - 12 tuần tuổi, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là 2,64 kg. Mức này thấp hơn gà Đông Tảo từ 0,34 - 0,50 kg [21]; thấp hơn gà Tam Hoàng 0,65 kg [40].

1.2.2.2 Nghiên cứu về sinh sản của gà Sao

Gà Sao nuôi sinh sản đến 44 tuần, ở dòng lớn có tỷ lệ đẻ và năng suất trứng 52,4% và 161,5 quả/mái; gà Sao dòng trung có tỷ lệ đẻ 52,3% và 161,1 quả/mái và gà Sao dòng nhỏ tỷ lệ đẻ 39,9% và 122,8 quả/mái. Trứng gà Sao dòng nhỏ và dòng trung có tỷ lệ phôi khá cao đạt 90,3 - 93,7%; trứng gà Sao dòng lớn có tỷ lệ phôi thấp chỉ đạt 63,6%, tỷ lệ nở cao nhất ở dòng nhỏ (80,9%), ở dòng trung là 61,1% và dòng lớn là 53,8% [29].

Phùng Đức Tiến và cs (2006) [29] đã nghiên cứu chọn lọc nâng cao năng suất 3 dòng gà Sao qua 3 thế hệ tại Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương cho thấy trên đàn gà sinh sản, cả 3 dòng gà Sao ổn định về ngoại hình, màu sắc lông. Kết quả cho thấy tỷ lệ nuôi sống đạt khá cao, giai đoạn gà con đạt 97,0 - 98,7%; giai đoạn gà dò 98,3 - 100% và giai đoạn gà sinh sản đạt 95,5 - 100%. Tỷ lệ đẻ, năng suất trứng thế hệ sau tăng hơn so với thế hệ trước ở thế hệ II và III của dòng nhỏ có năng suất trứng/mái cao hơn thế hệ I là 32,3 - 32,8 quả; tiêu tốn thức ăn/10 trứng giảm từ 2,59 - 1,73 kg [29]. Kết quả tương ứng khi nghiên cứu trên dòng trung là 16,9 - 17,5 quả, tiêu tốn thức ăn/10 trứng 2,36 - 2,12 kg; dòng lớn là 13,7 - 17,7 quả, tiêu tốn thức ăn/10 trứng là 2,26 - 1,9 kg. Tỷ lệ nở của trứng gà Sao tăng dần qua các thế hệ. Riêng dòng lớn có tỷ lệ phôi và tỷ lệ nở tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phôi thế hệ III tăng hơn thế hệ I là 12,9%. Tỷ lệ nở /tổng trứng ấp tăng 15,0% [29].

Kết quả nghiên cứu của Đặng Hùng Cường (2011) năng suất trứng của gà mái ở 21 - 40 tuần tuổi dao động trong khoảng từ 68,6 đến 81 quả; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng ở 21 - 40 tuần tuổi từ 1,28 đến 1,59 kg; tỷ lệ ấp nở đạt từ 68,4 đến 86,2% [9].

Theo Phùng Đức Tiến và cs. (2006) gà Sao đẻ 5% lúc 207 - 221 ngày. Khối lượng gà mái lúc 38 tuần tuổi là 2,16 kg đối với dòng nhỏ, 2,20 kg với dòng trung và 2,42 kg với dòng lớn. Sau 24 tuần đẻ, năng suất trứng dòng nhỏ đạt 99 quả/mái, dòng trung là 51 quả/mái và dòng lớn là 56 quả. Khối lượng trứng khi đẻ ổn định đạt 42,6 g với dòng nhỏ, 43,3 g với dòng trung và 44,4 g với dòng lớn. Tỷ lệ trứng có phôi đạt trên 89% [29].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng của một số loại thức ăn trong chăn nuôi gà Sao giai đoạn sinh trưởng ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Trang 29 - 33)