Phương pháp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông

Một phần của tài liệu Ths CTH quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông ở tỉnh luông nặm thà CHDCND Lào (Trang 27 - 30)

Hệ thống phương pháp quản lý giáo dục phổ thông bao gồm: Phương pháp tâm lý - xã hội, phương pháp quan lý theo mục tiêu, phương pháp hành chính - pháp chế và phương pháp kinh tế.

1.2.3.1. Phương pháp tâm lý - xã hội

Phương pháp tâm lý - xã hội là những cách thức tác động của người quản lý bằng tâm lý và tình cảm tới đối tượng quản lý nhằm biến những yêu cầu của các cấp quản lý thành nghĩa vụ tự giác bên trong, thành nhu cầu của đối tượng quản lý. Thực chất là khơi gợi tinh thần tự giác, chủ động của người bị quản lý, tạo ra bầu không khí cởi mở, tin cậy lẫn nhau trong tổ chức nhằm phát huy tiềm năng của mỗi người trong công việc.

Phương pháp tâm lý - xã hội là thể hiện tính dân chủ trong hoạt động quản lý, hiểu biết tâm tư nguyện vọng và tôn trọng đối tượng quản lý. Phương pháp này góp phần phát huy quyền làm chủ tập thể của mọi thành viên trong tổ chức, phát huy tiềm năng của mọi thành viên và có thể xây dựng bầu không khí lành mạnh, cởi mở trong tổ chức. Hạn chế của phương pháp tâm lý - xã hội là hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào nghệ thuật của người quản lý, dễ dẫn tới nạn hội họp tràn lan. Người quản lý có thể lợi dụng vì mục đích cá nhân như tạo ê kip, hoặc bè phái, quan lý theo kiểu gia đình,…

Điều kiện thực hiện phương pháp này có hiệu quả đòi hỏi người quản lý giáo dục phổ thông phải là người có uy tín trong tổ chức, trình độ chuyên môn vững, mẫu mực trong cuộc sống, khả năng ứng xử linh hoạt, cởi mở lắng nghe ý kiến người khác, biết tập hợp quanh mình lực lượng cốt cán có uy tín.

Người quản lý phải hiểu tâm tư nguyện vọng các thành viên, lắng nghe ý kiến của họ, giao việc cho họ, tin tưởng khả năng của họ, giúp họ vượt những khó khăn, lựa chọn và bồi dưỡng cán bộ cốt cán, ủy quyền cho đội ngũ những người giúp việc. Mặt khác đối tượng quản lý giáo dục phổ thông cần có tính tự giác cao và tinh thần xây dựng tập thể tốt để cùng thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông.

1.2.3.2. Phương pháp quản lý theo mục tiêu

Phương pháp quản lý theo mục tiêu là phương pháp quản lý giáo dục hướng toàn bộ hoạt động của hệ thống quản lý đến kết quả cuối cùng. Nó đòi hỏi người quản lý phải xác định trước các kết quả cuối cùng của chu trình quản lý và xây dựng các kế hoạch công tác nhằm đạt các kết quả dự tính về giáo dục phổ thông.

Các bước thực hiện phương pháp quản lý theo mục tiêu:

- Xác định mục tiêu rõ rang, kiểm nghiệm và đo lường được, phản ánh kết quả mong đợi. Mục tiêu có thể phân chia nhỏ hơn để gắn trách nhiệm với từng bộ phận.

- Xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông tính tời nguồn tài lực, đơn vị hoặc cơ quan phối hợp, nhu cầu và thời gian thực hiện.

- Kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông. Ưu thế của phương pháp quản lý theo mục tiêu thể hiện là tạo ra động lực quan trọng của quản lý vì nó vạch ra mục tiêu rõ rang để đánh giá kết quả thực hiện của người quản lý. Nó tạo quyền chủ động cho phép người quản lý tham gia xây dựng mục tiêu và kế hoạch hành động liên quan. Ngoài ra, nó còn tạo ra cách đánh giá khách quan và công bằng. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp là tạo nên áp lực lớn đối với người quản lý để hoàn thành mục tiêu. Mặt khác, phương pháp nhấn mạnh việc hoàn thành mục tiêu dẫn tới cục bộ, phiến diện, nhấn mạnh mục tiêu định lượng nên đánh giá không toàn diện.

Muốn thực hiện phương pháp có hiệu quả, chủ thể quản lý phải xác định mục tiêu rõ rang, khả thi. Thực hiện mục tiêu phải đúng thực chất, tránh bệnh hình thức, chạy theo thành tích.

1.2.3.3. Phương pháp hành chính

Phương pháp hành chính là phương pháp quản lý thông qua các mệnh lệnh, chỉ thị trong lĩnh vực giáo dục phổ thông phù hợp với pháp luật hiện hành để dẫn dắt, bắt buộc đối tượng thực hiện mục tiêu quản lý về giáo dục phổ thông.

Phương pháp này được cấu thành theo các bước: ban hành các văn bản pháp quy, ra các mênh lệnh hành chính, kiểm tra việc thực hiện các văn bản và mệnh lệnh.

Phương pháp hành chính - pháp chế góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong mọi hoạt động của tổ chức, đồng thời thể hiện tính linh hoạt, kịp thời của các quyết định. Tuy vậy, hạn chế của phương pháp hành chính - pháp chế là mang tính áp đặt. Nó làm cho mọi người bị quản lý rơi vào trạng thái bị động. Nếu lạm dụng phương pháp này sẽ dẫn tới nạn giấy tờ, quan liêu trong quản lý giáo dục phổ thông.

Để thực hiện phương pháp này có hiệu quả, người lãnh đạo cần có đủ quyền uy để chỉ thị, mệnh lệnh của mình vừa có tính thuyết phục vừa có tính bắt buộc đối tượng thực hiện, mệnh lệnh, chỉ thị phải mang tính khách quan, khoa học. Phải định kỳ tổ chức kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất việc thực hiện các mệnh lệnh, chỉ thị ban hành.

1.3.3.4. Phương pháp kinh tế

Phương pháp kinh tế trong quản lý giáo dục phổ thông là sự tác động của chủ thể tới đối tượng quản lý bằng cơ chế kích thích hoàn thành công việc thông qua lợi ích vật chất để họ tích cực tham gia các công việc chung và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực giáo dục phổ thông.

Ưu thế của phương pháp kinh tế trong quản lý giáo dục là giảm bớt việc ban hành các chỉ thị, mệnh lệnh đồng thời giảm bớt thời gian giám sát của cán bộ quản lý giáo dục phổ thông. Nó phát huy tính độc lập, tự giác, sáng tạo của mỗi người trong công việc giảng dạy, học tập hoặc phục vụ giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, áp dụng phương pháp kinh tế trong quản lý giáo dục phổ thông có thể dẫn tới khuynh hướng tư lợi chỉ biết tới lợi ích cá nhân ít quan tâm đến tập thể và chỉ quan tâm tới những công việc có tiền thưởng. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương mại hóa giáo dục. Ngân sách chi cho giáo dục hạn hẹp sẽ khó khăn cho việc thực thi phương pháp này.

Để sử dụng phương pháp kinh tế có tính hiệu quả, nên kết hợp chặt chẽ phương pháp kinh tế với cách động viên về tinh thần.

Một phần của tài liệu Ths CTH quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông ở tỉnh luông nặm thà CHDCND Lào (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w