Đánh giá thực trang chất lượng tín dụng

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu ACB chi nhánh hoàng cầu (Trang 58 - 63)

Cho vay khách hàng (đ/v: tỷ đồng)

2.3.3.Đánh giá thực trang chất lượng tín dụng

2.3.3.1. Kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2018-2020, giai đoạn vô cùng khó khăn cho HĐKD của ngân hàng dưới tác động của rất nhiều yếu tố cả trong và ngoài nền kinh tế, yêu cầu ngân hàng cần phải không ngừng đổi mới, tích cực nâng cao khoa học công nghệ, đơn giản hóa quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ vào những chỉ đạo sáng suốt từ ban lãnh đạo và trình độ chuyên môn cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ chuyên viên tín dụng, chất lượng tín dụng của ACB Hoàng Cầu đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường. Những thành

quả nổi bật đạt được trong chất lượng tín dụng của ACB Hoàng Cầu qua giai đoạn 2018-2020 có thể kể đến như sau:

- Chính sách tín dụng phù hợp với nguồn lực của ngân hàng và linh hoạt theo sự biến động của thị trường: Ngân hàng luôn theo dõi, đánh giá rất sát sao những biến động của thị trường, nhờ vậy mà có thể đưa ra được những điều chỉnh phù hợp và kịp thời đối với CSTD trong khi vẫn đảm bảo tuân theo đúng những quy định, chính sách của NHNN. Đồng thời, ACB Hoàng Cầu cũng không ngừng đưa ra các điều chỉnh trong CSTD nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thỏa mãn nhu cầu của thị trường và đối phó với những sự biến động trong nền kinh tế, chú trọng việc thiết kế mức LS, kỳ hạn vay hợp lý, cải tiến quy trình tín dụng và cách thức tiếp cận thị trường.

- Hoàn thiện và đổi mới sản phẩm: Về mặt sản phẩm, trong giai đoạn 2018- 2020, ACB Hoàng Cầu đã rất tích cực trong việc triển khai các chiến dịch sản phẩm dịch vụ tín dụng mới với rất nhiều những tiện ích mới, hướng đến việc mở rộng mạng lưới khách hàng và đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Các sản phẩm tín dụng vẫn được ngân hàng thực hiện và kiểm soát một cách ổn định. HĐTD của ngân hàng trọng tâm hướng đến thị trường khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tín dụng của các đối tượng khách hàng khác một cách kịp thời và đầy đủ.

- Hạn chế và xử lý tốt tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn: Ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện hệ thống quản trị, kiểm soát tín dụng, nâng cao nhận thức của CBNV trong việc cẩn trọng, đề phòng trong các quy trình đánh giá, thẩm định dự án cũng như giá trị TSĐB. Ngân hàng cũng không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc và kiểm soát hành vi sử dụng vốn của khách hàng, tích cực trong hoạt động thu hồi nợ và đảm bảo mức trích lập DPRR phù hợp.

2.3.3.2. Hạn chế còn tồn tại

Tuy đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ trong thời gian qua, HĐTD của ACB Hoàng Cầu hiện vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả HĐTD và nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng. Những hạn

chế tiêu biểu dẫn đến làm suy giảm chất lượng tín dụng của ACB Hoàng Cầu có thể kể đến như sau:

- Chính sách tín dụng còn tồn tại những điểm gây khó khăn cho khách hàng trong việc tiếp cận sản phẩm: mặc dù danh mục sản phẩm được phát hành bởi ACB nói chung và chi nhánh Hoàng Cầu nói riêng hiện nay rất đa dạng về mặt tiện ích, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng và điều kiện tài chính của khách hàng, tuy nhiên, chính sách sản phẩm của ngân hàng vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Các sản phẩm vay của ngân hàng hiện phần lớn chỉ tiếp nhận TSĐB trong khu vực nội thành Hà Nội, những tài sản nằm ngoài khu vực nội thành cần phải thỏa mãn những điều kiện nhất định tùy vào vị trí địa lý, khách hàng và nhu cầu sử dụng vốn vay. Đây cũng là một hạn chế đang phần nào kìm hãm sự phát triển của chất lượng tín dụng ngân hàng ACB Hoàng Cầu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020, rất nhiều khách hàng cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán kịp thời các khoản nợ trước đó, dẫn đến tình trạng có lịch sử nợ quá hạn nhóm 2 trong CIC. Chính sách hiện tại của ngân hàng khiến cho những khách hàng có dư nợ nhóm 2 trong vòng 12 tháng gần nhất rất khó có thể được vay vốn trước khi trải qua những bước cân nhắc, đánh giá rất khắt khe và thận trọng. Đây là chính sách đúng đắn của ngân hàng nhằm hạn chế một cách tối đa rủi ro cho có thể xảy ra, tuy nhiên, trong tình cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động SXKD, việc ngân hàng nới lỏng phần nào những quy định về những khách hàng có lịch sử dư nợ nhóm 2 cũng có thể sẽ đem lại những hiệu quả tích cực. - Nền tảng công nghệ chưa hoàn thiện, chưa đủ sức cạnh tranh: Khả năng

nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào HĐTD còn chưa đạt hiệu quả cao, sản phẩm ứng dụng Mobile Banking dành cho khách hàng còn khó sử dụng và đôi khi xảy ra lỗi hệ thống. Các sản phẩm công nghệ nhằm hỗ trợ tiện lợi hơn cho nhu cầu của khách hàng và giảm bớt sự phức tạp trong quy trình làm việc của cán bộ tín dụng như hệ thống Live Bank, ứng dụng ACB SalesCRM,... vẫn chưa đạt hiệu quả cao so với mặt bằng chung các ngân hàng TMCP lớn như Techcombank, MBBank, TPBank, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường.

- Tỷ lệ nợ xấu chưa có sự cải thiện rõ rệt qua các năm: Đánh giá về chất lượng tín dụng của ACB Hoàng Cầu giai đoạn 2018-2020, có thể thấy, chất lượng tín dụng đã có những bước phát triển đáng chú ý qua từng năm, đặc biệt là trong năm 2020, ngân hàng vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn ở mức thấp mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng không có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2019, trong khi tổng dư nợ tín dụng vẫn tiếp tục trên đà phát triển, điều này cho thấy tình trạng chất lượng tín dụng của ngân hàng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, yêu cầu ngân hàng cần phải đưa ra những chính sách cải thiện trong thời gian sớm nhất.

2.3.3.3. Nguyên nhân a. Đến từ ngân hàng

Qua đánh giá và thảo luận với CBNV, có thể hiểu, chất lượng tín dụng của ACB Hoàng Cầu đang có hạn chế còn tồn tại như trên một phần là đến từ những nguyên nhân sau:

- Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng phần nhiều là do tác động của Covid-19 khiến cho dự án kinh doanh của khách hàng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm trễ trong tiến độ trả nợ.

- Các chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi vốn

- Chính sách sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa đủ linh hoạt so với những biến động mạnh mẽ, liên tục của thị trường trong thời kỳ dịch bệnh

- CBNV tín dụng còn sai sót, chểnh mảng trong quá trình làm việc dẫn đến những khoản vay kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

- Ngân hàng chưa đầu tư mạnh cho việc nâng cấp nền tảng khoa học công nghệ dẫn đến suy giảm sức cạnh tranh trên thị trường

b. Đến từ khách hàng

Các tác nhân đến từ phía khách hàng dẫn đến tình trạng hiện nay của chất lượng tín dụng ACB Hoàng Cầu có thể kể đến như sau:

- Khách hàng còn thiếu trung thực, cung cấp thông tin sai lệch và sử dụng vốn sai mục đích trong thỏa thuận với ngân hàng

- Khách hàng tuy có dự án kinh doanh khả thi nhưng không có đủ điều kiện về khả năng tài chính cũng như có TSĐB không đủ pháp lý và khó định giá

- Hoạt động SXKD gặp nhiều khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, thiên tai. c. Các nguyên nhân khác

Qua tìm hiểu, người viết nhận thấy hiện trạng chất lượng tín dụng của ACB Hoàng Cầu hiện cũng chịu ảnh hưởng đến từ một vài nguyên nhân khách quan khác, bao gồm:

- Thủ tục hành chính, pháp lý với các cơ quan hành chính của Nhà nước như các phòng công chứng, Tòa án,... còn rườm rà, kém linh hoạt, ảnh hưởng đến quy trình làm việc cũng như khả năng xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của ngân hàng. - Chính sách kinh tế, xã hội, pháp luật của Nhà nước còn thiếu tính nhất quán.

TÓM TẮT CHƯƠNG 2

Nằm trong địa bàn trung tâm thành phố Hà Nội, ACB Hoàng Cầu có rất nhiều tiềm năng để có thể khai thác thị trường và nâng cao hiệu quả HĐTD. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường với tính cạnh tranh rất cao đến từ các NHTM đối thủ, yêu cầu ACB Hoàng Cầu phải đảm bảo được hiệu quả hoạt động và không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng để có thể đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Ngoài ra, giai đoạn 2018-2020 cũng là một năm vô cùng khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống NHTM nói riêng do tác động đến từ những yếu tố cả trong và ngoài nền kinh tế như dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng, lạm phát, cạnh tranh giữa các cường quốc,... đã gây nên sự bất ổn của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tín dụng của các NHTM. Đứng trước hoàn cảnh đó, ACB Hoàng Cầu dưới sự điều hành và những chỉ đạo sáng suốt, kịp thời đến từ Ban lãnh đạo cũng như sự quyết tâm, nỗ lực cùng trình độ chuyên môn cao của toàn thể CBNV đã đạt được những thành tựu rất đáng kể trong kết quả HĐKD cũng như công cuộc nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro của ngân hàng.

Tuy nhiên, ACB Hoàng Cầu vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, làm suy giảm chất lượng tín dụng cũng như hiệu quả HĐTD của ngân hàng. Giai đoạn 2018-

2020, ngân hàng đã hạn chế rất tốt tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn, tuy nhiên, mức độ tăng trưởng dư nợ xấu, dư nợ quá hạn vẫn còn rất cao. Khả năng thu hồi vốn của ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phải hỗ trợ khách hàng đối phó với đại dịch Covid-19 theo như chỉ đạo của NHNN. Việc phân tích, đánh giá được thực trạng chất lượng tín dụng, từ đó xác định được những thành tựu và những điểm hạn chế trong chất lượng tín dụng của ngân hàng sẽ là yếu tố tiên quyết trong việc đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng tín dụng cho ACB Hoàng Cầu.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu ACB chi nhánh hoàng cầu (Trang 58 - 63)