Khái niệm quản trị công ty tại Việt Nam

Một phần của tài liệu document (Trang 26 - 30)

Trên thực tế có sự nhầm lẫn khá phổ biến giữa các thuật ngữ/khái niệm "quản trị" và "quản lý" tại Việt Nam. Khái niệm "quản lý" đã được sử dụng phổ biến ở nước ta từ nhiều năm nay trên hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về quản lý mà theo đó:

(i) Quản lý là quá trình hoàn thành công việc một cách hiệu quả cùng với và thông qua những người khác;

(ii) Quản lý là quá trình đạt được mục tiêu của tổ chức kinh doanh bằng cách kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực con người, vật chất và tài chính; hoặc

(iii) Quản lý là nghệ thuật dẫn dắt và chỉ đạo đặc trưng cho quá trình lãnh đạo và chỉ đạo toàn bộ hoặc một phần của tổ chức (thông thường là một doanh nghiệp) thông qua bố trí và sử dụng các nguồn lực tài chính, lao động, nguyên vật liệu, trí tuệ và các nguồn lực vô hình khác với việc thực hiện 5 chức năng để xác định và đạt được mục tiêu bao gồm: lập kế hoạch, tổ chức công việc, tuyển chọn nhân công, chỉ đạo và kiểm soát.

Nhìn chung quản lý được áp dụng phổ biến, đã và đang trở thành công cụ khoa học phục vụ cho việc phân tích, đánh giá tình hình hoạt động, tổ chức trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh. Theo nghĩa này, quản lý doanh nghiệp có nghĩa là việc tổ chức, chỉ đạo các hoạt động của doanh nghiệp đó; và phải thực hiện được 6 nguyên tắc sau đây:

- Giá trị đối với khách hàng, tức là tạo ra được giá trị mới cho khách hàng; quản lý phải quyết định được doanh nghiệp sẽ sản xuất cái gì và sau đó tổ chức được việc sản xuất nó một cách hợp lý;

- Có tổ chức, tức là quản lý phải chịu trách nhiệm về việc thiết lập và duy trì doanh nghiệp một cách có tổ chức. Lực lượng lao động và các nguồn lực khác của doanh nghiệp phải được bố trí, sắp xếp một cách có tổ chức;

- Lợi thế cạnh tranh, tức là quản lý phải quyết định liệu doanh nghiệp sẽ cạnh tranh trên cơ sở nào: chất lượng hay giá cả, hoặc dịch vụ hay sự tiện lợi của địa điểm kinh doanh;

- Kiểm tra, tức là sau khi đã quyết định cách thức tạo ra giá trị, cách thức tổ chức kinh doanh và thiết lập được một lợi thế cạnh tranh, thì quản lý phải kiểm tra lại toàn hệ thống xem liệu tất cả mọi người đã hiểu và nhận biết được về mục tiêu của doanh nghiệp, mỗi người đã được phân công rõ ràng về chức năng và nhiệm vụ và đảm bảo công việc của tất cả mọi người đều được thực hiện hướng tới mục tiêu của doanh nghiệp.

- Lợi nhuận. Doanh nghiệp được thành lập để làm ra tiền và phải tạo ra được lợi nhuận trong quá trình hoạt động. Và mục tiêu cơ bản nhất của quản lý là tạo ra được lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp. Dù làm bất cứ gì thì lợi nhuận vẫn là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất của doanh nghiệp và của quản lý doanh nghiệp.

- Thực hành các chuẩn mực đạo đức. Quản lý nói chung và những người quản lý nói riêng phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức. Bởi vì họ là những người có địa vị tín thác như là quản gia của công ty phục vụ cho lợi ích

của cổ đông, của người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng; người quản lý có cơ hội tốt nhất để lạm dụng tự làm giàu cho mình mà làm hại đến đến lợi ích của cổ đông, người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng; và người quản lý thiết lập tiêu chuẩn cho toàn bộ doanh nghiệp.

Theo báo cáo đánh giá của World Bank:

Quản trị Công ty đề cập đến các cơ cấu và quá trình cho việc định hướng và kiểm soát các công ty. Quản trị công ty liên quan đến mối quan hệ giữa ban giám đốc, Hội đồng Quản trị, các cổ đông lớn, các cổ đông nhỏ và những bên có quyền lợi liên quan. Quản trị công ty tốt góp phần vào phát triển kinh tế bền vững do cải thiện được hoạt động của các công ty và nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn bên ngoài của các công ty đó [19, tr. i].

Quy chế quản trị áp dụng với các công ty niêm yết quy định: "Quản trị công ty là hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty" [5, Điều 2]. Các nguyên tắc quản trị công ty bao gồm:

- Đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả; - Đảm bảo quyền lợi của cổ đông;

- Đối xử công bằng giữa các cổ đông;

- Đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; - Minh bạch trong hoạt động của công ty;

- Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả (Điều 2, khoản 1, mục a của Quy chế quản trị công ty niêm yết).

Theo đó, Quy chế quản trị công ty niêm yết được xây dựng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006 và vận dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị công ty phù hợp với điều

kiện của Việt Nam, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán và góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế. Quy chế quy định những nguyên tắc cơ bản về quản trị công ty để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, thiết lập những chuẩn mực về hành vi, đạo đức nghề nghiệp của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát và cán bộ quản lý của các công ty niêm yết. Quy chế cũng là cơ sở để đánh giá việc thực hiện quản trị công ty của các công ty niêm yết.

Một phần của tài liệu document (Trang 26 - 30)