Bảo đảm vai trò và vị thế Hội đồng quản trị

Một phần của tài liệu document (Trang 107 - 111)

f. Huỷ bỏ niêm yết

3.2.5. Bảo đảm vai trò và vị thế Hội đồng quản trị

Về pháp lý, hội đồng quản trị được quy định là "cơ quan quản lý công ty", có quyền nhân danh công ty thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của

công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Trên thực tế, trong hầu hết các công ty cổ phần, thành viên hội đồng quản trị đều là các cổ đông lớn, hoặc đại diện các cổ đông lớn của công ty. Thêm vào đó, các thành viên hội đồng quản trị đều tham gia trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, trong các công ty nói trên, không những không có sự tách biệt rõ nét giữa sở hữu và quản lý, mà cả quản lý và điều hành. Chủ tịch Hội đồng quản trị thường kiêm giám đốc điều hành, và là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trong cơ cấu nói trên, rõ ràng vai trò và địa vị thực tế của Hội đồng quản trị bị xem nhẹ; và ngược lại, Hội đồng quản trị lại không thực hiện được đầy đủ vai trò của mình trong quản trị công ty. Các thành viên Hội đồng quản trị đã phải tập trung nhiều hơn vào công tác điều hành; và ít hoặc thậm chí không chú ý đến vai trò định hướng chiến lược và giám sát đảm bảo công ty phát triển phù hợp với chiến lược. Thêm vào đó, các thành viên Hội đồng quản trị thường chịu ảnh hưởng nhiều bởi chính lợi ích của cổ đông lớn hơn là phục vụ cho chính lợi ích của công ty và những người khác có liên quan. Trong điều kiện nói trên, yêu cầu phải có thành viên "độc lập" hay thành viên không điều hành trong Hội đồng quản trị còn hết sức xa lạ, đối với các công ty niêm yết.

Bên cạnh đó, chưa có cơ chế và tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị nói chung và từng thành viên Hội đồng quản trị nói riêng. Điều này góp phần làm cho chế độ trả lương và lợi ích khác đối với thành viên Hội đồng quản trị chưa rõ ràng, chưa cụ thể và hợp lý. Đây có lẽ là một trong số các nguyên nhân làm cho các thành viên Hội đồng quản trị chưa sẵn sàng tách ra khỏi công tác điều hành để chuyên trách vào các vấn đề chiến lược và kiểm soát. Tóm lại, Hội đồng quản trị trong các công ty ở nước ta thường thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa phải là thể chế giám sát và cân bằng quyền lực giữa các bên trong công ty, nhất là giữa chủ sở hữu và điều hành. Thêm vào đó, trình độ năng lực của thành viên HĐQT còn hạn chế; họ thường chưa phải là những người quản lý chuyên nghiệp (phần lớn họ là vừa là chủ sở hữu và vừa là người quản lý).

Hộp 3.1: Kinh nghiệm từ Công ty Tài chính quốc tế - IFC [61]

Hội đồng quản trị được nhấn mạnh là những người đặt ra chiến lược tổng thể cho doanh nghiệp, giám sát quản lý rủi ro, giám sát kết quả quản trị, đảm bảo sự trung thực của báo cáo tài chính, có kế hoạch đào tạo nhân sự kế nhiệm cho các vị trí quản lý cấp cao. Với trách nhiệm như vậy, phẩm chất chính của thành viên Hội đồng quản trị được miêu tả là liêm chính, trung thành, có óc phán đoán, can đảm, tự tin, có kỹ năng phân tích, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc tập thể và kỹ năng giao tiếp.

Hai nghĩa vụ chính được ủy thác cho một thành viên Hội đồng quản trị là chăm lo và trung thành với doanh nghiệp. Với nghĩa vụ trung thành, thành viên Hội đồng quản trị còn phải đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên hết, tránh những xung đột về lợi ích, không bỏ phiếu cho những vấn đề có thể nảy sinh xung đột lợi ích cá nhân.

IFC nhấn mạnh tính quan trọng của việc xác định và bầu chọn thành viên Hội đồng quản trị độc lập, nhằm đảm bảo việc suy xét và quyết định vấn đề một cách hiệu quả, với nỗ lực cao nhất, chỉ với một mục đích là đem lại lợi ích lớn nhất cho công ty. Việc suy xét và quyết định này không bị ảnh hưởng bởi các xung đợt phát sinh hay có thể phát sinh về lợi ích.

Sự thất bại của Tập đoàn Enron - công ty đại chúng có quy mô lớn thứ 7 tại Mỹ, có nguyên nhân chính từ tính độc lập của các thành viên Hội đồng quản trị bị suy yếu. Các ủy ban thuộc Hội đồng quản trị của Enron năm 2001 bao gồm: Kiểm toán và tuân thủ, Thù lao, Đề cử, Tài chính, Điều hành. Vậy các giám đốc của Enron đã làm gì? Sự tìm hiểu của IFC cho thấy, Ban giám đốc đã không thực hiện nhiệm vụ giám sát của họ, tính độc lập của Hội đồng quản trị Enron đã bị thỏa hiệp bởi những mối quan hệ tài chính giữa Tập đoàn với một số thành viên Hội đồng quản trị. Do không thể giám sát đầy đủ nhằm kiềm chế sự lũng đoạn trong quản lý, Hội đồng quản trị Enron đã gây nên sự sụp đổ của Tập đoàn.

Sự thất bại của các thành viên Hội đồng quản trị Enron được chỉ ra cụ thể trong việc thừa hành những nghĩa vụ được ủy thác, các thành viên Hội đồng quản trị cho phép những hoạt động kế toán rủi ro quá cao, Hội đồng quản trị phê duyệt những xung đột lợi ích bất hợp lý và cho phép các hoạt động ngoài sổ sách quá rộng rãi. Ngoài ra, họ phê duyệt tiền lương cao quá mức, thiếu tính độc lập của các thành viên Hội đồng quản trị và kiểm toán. Đơn cử, nhiều cán bộ điều hành tại Enron làm việc hơn 20 năm, nhiều người chấp thuận các quyết định của Ban giám đốc điều hành do đã trở thành bạn bè và các mối quan hệ này làm suy yếu sự giám sát. Các thành viên Hội đồng quản trị Enron được trả lương hậu hĩnh, hơn 350.000 USD/năm, bằng quyền chọn mua cổ phiếu. Thù lao lớn như vậy đã dẫn đến việc các thành viên Hội đồng quản trị chỉ tìm cách duy trì vị trí của họ hơn là đặt ra những câu hỏi nghiêm khắc cho Ban giám đốc.

Sau vụ sụp đổ của Enron trong năm 2002, Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã yêu cầu Hội đồng quản trị của các công ty niêm yết tại NYSE phải có đa số thành viên độc lập; các ủy ban Kiểm toán, Thù lao, Đề cử chỉ bao gồm những thành viên độc lập; phải có những phiên họp điều hành công ty 1 năm 2 lần không có mặt ban giám đốc.

Ấn Độ cũng có quy định nghiêm ngặt về Hội đồng quản trị của các công ty niêm yết. Cụ thể, nếu chủ tịch không phải là thành viên điều hành thì ít nhất 1/3 thành viên Hội đồng quản trị phải là các thành viên độc lập; nếu chủ tịch là thành viên điều hành thì ít nhất 1/2 thành viên Hội đồng quản trị phải là các thành viên độc lập; ngoài thù lao, giám đốc không được nhận khoản tiền bạc hoặc vật chất nào trong công ty, không có mối quan hệ với chủ sở hữu công ty, các thành viên Hội đồng quản trị hay các cấp quản lý; thành viên Hội đồng quản trị độc lập không phải là người quản lý của công ty trong 3 năm liên tiếp, không phải là nhà cung cấp nguyên liệu, cung cấp dịch vụ hoặc khách hàng, đặc biệt không phải là cổ đông lớn của công ty, ví dụ như sở hữu từ 2% cổ phiếu có quyền biểu quyết trở lên.

Tại Việt Nam, IFC khuyến nghị, nên tìm kiếm thực hiện nhiều hơn nữa mô hình thành viên Hội đồng quản trị độc lập, thậm chí có thể quảng cáo tuyển dụng cả chức danh này với yêu cầu về đào tạo, bằng cấp. Khảo sát của IFC tại 301 công ty tư nhân ở Ấn Độ cho thấy, thành viên Hội đồng quản trị là những người có chuyên môn về tài chính - kế toán, là học giả, luật sư, cựu chính trị gia, cựu cán bộ nhà nước.

Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là trả lương cho thành viên Hội đồng quản trị, theo bà Maxine L.Garvey (chuyên gia quản trị công ty cao cấp Công ty Tài chính quốc tế -IFC), thông lệ tốt nhất là thiết lập một quy trình, trong đó các thành viên Hội đồng quản trị đề ra việc trả lương một cách khách quan, thiết lập chỉ tiêu cụ thể về mức sở hữu cổ phiếu của mỗi thành viên, xác định tổng giá trị mong muốn của tất cả các hình thức thù lao cho thành viên, trả lương cho thành viên chỉ bằng hình thức cổ phiếu và tiền mặt, trong đó cổ phiếu chiếm 50 - 100% tổng giá trị của tất cả các hình thức trả lương, đồng thời công bố công khai cách xác định thù lao. Tìm thành viên Hội đồng quản trị rất khó, vì vậy cần tập trung vào hai phẩm chất: can đảm và liêm chính.

Một phần của tài liệu document (Trang 107 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)