f. Huỷ bỏ niêm yết
2.2. KHUNG PHÁP LUẬT VỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY TẠI VIỆT NAM
Ngân hàng thế giới (World Bank) nhận định rằng:
Đối với những quốc gia có nền kinh tế thị trường mới nổi, việc tăng cường quản trị công ty có thể phục vụ cho rất nhiều các mục đích chính sách công quan trọng. Quản trị Công ty tốt giảm thiểu khả năng tổn thương trước các khủng hoảng tài chính, củng cố quyền sở hữu, giảm chi phí giao dịch và chi phí vốn, và dẫn đến việc phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Một khuôn khổ quản trị công ty yếu kém sẽ làm giảm mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư, và không khuyến khích đầu tư từ bên ngoài. Ngoài ra, khi các quỹ hưu trí tiếp tục đầu tư vào các thị trường chứng khoán, quản trị công ty tốt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các khoản tiết kiệm hưu trí. Trong vòng vài năm qua, tầm quan trọng của quản trị công ty đã được nhấn mạnh thể hiện ở số lượng các nghiên cứu ngày càng tăng lên. Các nghiên cứu cho thấy các thực tiễn quản trị công ty tốt dẫn tới tăng trưởng mạnh đối với giá trị kinh tế gia tăng của các công ty, năng suất cao hơn và giảm rủi ro tài chính hệ thống cho các quốc gia [19].
Nhận định trên cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng khung quản trị tại mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết đã khẳng định rằng:
Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết được xây dựng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và vận dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị công
ty phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán và góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế.
Quy chế này quy định những nguyên tắc cơ bản về quản trị công ty để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, thiết lập những chuẩn mực về hành vi, đạo đức nghề nghiệp của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát và cán bộ quản lý của các công ty niêm yết.
Quy chế này cũng là cơ sở để đánh giá việc thực hiện quản trị công ty của các công ty niêm yết [5, Điều 1].
Như vậy, có thể nói rằng, trong quá trình xây dựng và vận dụng các thông lệ tốt nhất (best practices) về quản trị công ty, chúng ta đã không chỉ dựa trên các quy định của khung pháp luật hiện hành về quản trị công ty tại Việt Nam mà còn vận dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị công ty phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán và góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế.
Việc phân tích và đánh giá khung quản trị công ty tại Việt Nam được thực hiện dựa trên các nguyên tắc quản trị công ty.