Chúng ta thường nói, con cái là hy vọng của cha mẹ. Hy vọng là một kiểu thái độ, luôn hướng chúng ta về tương lai chứ không phải chỉ quan tâm tới những gì chưa đầy đủ trước mắt. Chỉ cần chúng ta có thái độ đó, thì chúng ta sẽ luôn tin tưởng con mình có một tương lai tươi đẹp phía trước.
Nếu thiếu dũng khí và tình yêu thì sẽ không có hy vọng. Thiếu hy vọng mới chính là sự thất bại lớn nhất trong gia đình. Chúng ta hay nói với con: “Không nghe lời, không thích đọc sách, đúng là hết cách”. Lời nói kiểu như vậy chưa hẳn đã là tuyệt vọng, nhưng ít nhất nó cũng thể hiện sự thất vọng, thất vọng chính là biểu hiện của việc thiếu hy vọng.
Thật ra, không nghe lời, không thích đọc sách là một cách nói không cụ thể. Nếu khái niệm đọc sách đó chỉ dùng để nói về việc đọc sách trong trường, vậy thì có thể nói rằng khi sinh ra con cái chúng ta đã không nghe lời, không thích đọc sách rồi. Thực ra có rất nhiều đứa trẻ thích đọc sách, chỉ có điều chúng không thích đọc sách giáo khoa trong trường. Chúng đọc truyện kiếm hiệp, tiểu thuyết tình yêu, xem truyện tranh... Khi đọc những sách đó bọn trẻ cũng đang tích cực suy ngẫm về cuộc đời, suy nghĩ về tương lai, về việc mình sẽ trở thành người như thế nào, làm công việc gì.
Những đứa trẻ đó không trở thành tiến sĩ, giáo sư, mà trở thành chuyên gia marketing, công nhân kỹ thuật lành nghề, ca sĩ, nhân viên đánh máy, thợ cắt tóc... Nếu cha mẹ cho rằng chỉ có tiến sĩ, giáo sư mới có tương lai thì cuộc sống quả thật không có hy vọng, vì cơ hội đó quá ít. Nếu cha mẹ đề ra mục tiêu giáo dục con cái mình trở thành người chính trực, tự dựa vào sức
của chính mình thì sự lựa chọn trong cuộc sống quả thực có rất nhiều. Cho dù con đường phía trước còn nhiều chông gai, chúng ta và con cái chúng ta đều sẽ tự hào về bản thân và tràn đầy hy vọng.