Làm thế nào để phát hiện ra niềm đam mê và tài năng của con? Người Trung Quốc thời cổ đại đã từng làm việc đó. Cho trẻ cầm nắm đồ vật yêu thích khi đầy năm là một phương pháp truyền thống để dự đoán về niềm đam mê và sở trường của trẻ.
Trước đây, khi mừng bé đầy năm, người ta thường tiến hành nghi thức “nắm đồ vật” rất long trọng. Lễ “nắm đồ vật” thường được tiến hành sau lễ cúng tổ tiên. Người ta đặt một cái sàng gạo trước bàn thờ tổ tiên, ở trên bày 12 đến 14 đồ vật, như sách, ấn, bút, mực, bàn tính, tiền, đùi gà, thịt lợn, thước, hành, rau cần, tỏi, rơm, đao kiếm... Họ bế đứa trẻ đặt vào giữa cái sàng và để nó tự chọn lấy một đồ vật. Đó là cách để tiên đoán ngành nghề và số phận tương lai của đứa trẻ.
Thông thường khi đứa bé cầm lấy sách thì có nghĩa sau này nó sẽ đi học và sẽ thành một học giả. Nếu nắm bút, mực thì sẽ trở thành nhà văn, họa sĩ; nắm ấn thì sẽ có quyền lực, sẽ làm quan lớn; nắm bàn tính thì sẽ thành thương nhân, kế toán, hợp với nghề buôn bán; nếu nắm tiền thì sau này sẽ rất giàu có; nếu nắm đùi gà thì sẽ rất có phúc, cả cuộc đời sẽ không phải lo về tiền bạc; nếu nắm lấy hành thì sẽ rất thông minh; nếu nắm lấy tỏi thì giỏi tính toán; nắm lấy rau cần thì rất chăm chỉ; nắm lấy rơm thì sẽ thành nông dân. Nếu là con gái mà nắm kéo, thước thì sau
này sẽ rất giỏi việc nội trợ...
Ý nghĩa chủ yếu của “nắm đồ vật” là một nghi thức chúc mừng mà cha mẹ đứa trẻ - những người rất kỳ vọng vào tương lai của con mình, chứ không có một ý nghĩa khoa học nào. Nhưng xét từ góc độ tâm lý học, giáo dục học, dự đoán tương lai theo kiểu “nắm đồ vật” này cũng không hoàn toàn không có ý nghĩa, về mặt khách quan, nghi thức này kiểm nghiệm cách dạy dỗ đứa trẻ của người mẹ và của bà nội đứa trẻ. về mặt chủ quan, đứa trẻ cầm lấy một đồ vật nào đó trước tiên chính là kết quả của định hướng tâm lý mang lại, nó có giá trị tham khảo nhất định đối với việc dự đoán sự phát triển trong tương lai của đứa trẻ. Bởi vì hành động đầu tiên, lời nói đầu tiên của con người chính là biểu hiện chân thực nhất của thế giới nội tâm, và cũng là nền tảng đầu hình thành nên “hình ảnh trong lòng”. Vậy thế nào gọi là “hình ảnh trong lòng”? “Hình ảnh trong lòng” nghĩa là quan niệm “tôi là loại người nào”, nó được tạo ra từ niềm tin vào bản thân. Ai trong chúng ta cũng có một bức phác họa chân dung của riêng mình. Chúng ta thường tưởng tượng mình là tướng quân, học giả, người buôn bán, người khốn cùng, người phản kháng xã hội... Trong tri giác của chúng ta, bức phác họa đó hoặc lờ mờ không rõ, hoặc không có nét gì. Nhưng bức phác họa đó thực sự tồn tại, nó thể hiện ra trước mắt chúng ta một cách hoàn chỉnh và tường tận.
Phần lớn niềm tin vào bản thân đều xuất phát từ kinh nghiệm đã trải qua: thành công, thất bại, nhục nhã... và cả những phản ứng của người khác với chúng ta, đặc biệt là những gì được hình thành nên từ lúc nhỏ. Bởi vậy chúng ta tạo ra một hình ảnh trong lòng chúng ta. Chúng ta sẽ không nghi ngờ về tính chân thực của nó mà ngược lại còn làm mọi việc theo niềm tin đó.
Khi đứa trẻ cầm quyển sách thì có thể là do nó hay nhìn thấy người lớn cầm sách trên tay, do vậy nó đã bắt chước hành động một cách vô thức, mà bắt chước lại là sự khởi đầu của niềm đam mê, hoặc cũng có thể là sự bộc lộ tài năng. Nếu chúng ta chú ý hướng dẫn kịp thời thì sự theo đuổi đam mê của trẻ sẽ sớm ở trong tầm kiểm soát.