Không sợ tranh luận, dùng lý thuyết phục

Một phần của tài liệu Làm gì khi trẻ nói không (Trang 79 - 83)

Một trận chiến trong gia đình

Có một câu chuyện như thế này. Trong gia đình nọ, có một cô con gái tài đức vẹn toàn, phát triển toàn diện. Cô rất giỏi toán, lý, hóa và cũng rất có khả năng về Mĩ thuật. Nhưng chính tài năng đó đã gây ra một trận sóng gió trong gia đình.

Giáo viên chủ nhiệm lớp rất thích khả năng Mĩ thuật của cô nên đã khuyên cô thi chuyên ngành Mĩ thuật. Cô về nhà bàn với bố mẹ nhưng bị từ chối. Cha mẹ muốn con thi toán, lý để sau này theo ngành kỹ thuật cho ổn định. Họ sẽ không nghĩ đến chuyên ngành khoa học xã hội hay nghệ thuật. Giáo viên chủ nhiệm đó thấy tiếc cho tài năng của cô gái nên hẹn gặp cha mẹ cô để nói chuyện nhưng vẫn bị khéo léo từ chối. Khi biết chuyện, cô gái đã nổi giận và cãi lại cha mẹ. Hai bên đều rất nóng tính, đặc biệt là người cha vốn là một quân nhân. Khi trận chiến lên đến đỉnh điểm, ông đã không kiềm chế được mình và lần đầu tiên ông đã đánh con gái.

Sóng gió rồi cũng qua đi, cô gái đã nghe lời cha mẹ, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Nhưng họ có một thỏa thuận là cô gái thi vào ngành khoa học xã hội và từ bỏ ý định học nghệ thuật, còn cha mẹ cô thì không bắt con mình phải thi ngành khoa học tự nhiên nữa.

Tranh cãi giữa cha mẹ và con cái không phải bao giờ cũng rơi vào bế tắc. Mọi người đã bàn bạc một cách nghiêm túc và đi đến thỏa thuận. Thành công đó có công rất lớn của cha mẹ, những người đã hòa giải một cách kịp thời. Nó cho thấy lý trí và lòng khoan dung của họ.

Sự lựa chọn dũng cảm của cô gái cũng là điều hết sức quan trọng. Như trên tôi đã nói, những đứa trẻ không bao giờ chống đối cha mẹ, luôn luôn nghe lời cha mẹ lại luôn có nguy cơ về mặt tâm lý. Chúng rất dễ chết trong im lặng hoặc bùng nổ. Nếu lúc trẻ chúng không chống đối thì đến tuổi trung niên những người đó lại bùng phát, và hậu quả thật khó lường. Vì thế, cha mẹ không nên phiền não vì những điều không vui trước mắt. Không chừng sau cuộc chiến, gia đình tưởng như sẽ tan vỡ, thì chúng ta lại thấy con cái trưởng thành.

Học cách tranh cãi

Tranh cãi có cái giá của nó. Để phát huy điểm tốt, tránh những điều tiêu cực cha mẹ phải học cách tranh cãi.

Nói chung, những người thân quen thường sợ tranh cãi với nhau. Nếu khi tranh cãi mà chúng ta nói ra những lời khó nghe thì người khác sẽ nhớ rất lâu, thậm chí là nhớ suốt đời. Mặt khác, trong xã hội, thói quen giao lưu bằng lý tính vẫn chưa hình thành, tranh luận sẽ dẫn tới tranh cãi, khi tranh cãi thường đan xen những lời nói thể hiện cảm xúc cá nhân, sẽ dễ làm lẫn lộn tính khách quan của sự việc, và dẫn tới bạo lực. Do vậy, mọi người thường không tranh cãi, thậm chí rất ít trao đổi ý kiến với nhau.

Tranh cãi giữa cha mẹ và con cái là điều không thể tránh khỏi, nhất là sau khi con học cấp hai. Đó là thời kỳ chống đối của trẻ. Đứa trẻ chưa có cách nghĩ và cách đối nhân xử thế của người lớn, chúng muốn nói gì thì nói, thậm chí cãi lại cha mẹ mà chẳng cần lo lắng đến việc sẽ khiến cha mẹ buồn.

Vấn đề là ở chỗ cha mẹ có đáng phải tức giận hay không. Nếu nói tranh cãi có ý nghĩa sâu sắc với trẻ thì sự tức giận là điều dễ hiểu.

Khi đứa trẻ học đi, nếu bỏ qua giai đoạn học bò, thì khi bị ngã, đứa trẻ sẽ chúc đầu xuống chứ không phải là chống tay xuống đất. Vì vậy học bò trước khi học đi sẽ giúp trẻ an toàn hơn. Cuộc đời con người nên trải qua từng giai đoạn, không nên bỏ qua bất kỳ giai đoạn nào.

Tương tự như vậy, khi còn nhỏ trẻ không chống đối lại cha mẹ, thì giống như đứa trẻ không nắm được kĩ năng khi bị ngã. Nghiên cứu tâm lý cho thấy, những đứa trẻ không trải qua giai đoạn chống đối thì khi trưởng thành chúng sẽ có những nhược điểm trong nhân cách, như ỷ lại, không có chủ kiến, lo sợ, yếu đuối. Trong cuộc sống hôn nhân sau này, những nhược điểm này sẽ làm chúng không thích ứng được. Khi gia đình xảy ra mâu thuẫn, chúng sẽ không biết phải làm gì. Vì chúng chưa bao giờ trải qua mâu thuẫn với bố mẹ nên sẽ thiếu kĩ năng và phương pháp giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ với người khác.

Một nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức đã tiến hành điều tra theo dõi trẻ em lứa tuổi 2-5 tuổi. Khi so sánh 100 người có khuynh hướng phản kháng mãnh liệt lúc nhỏ và 100 người không có khuynh hướng này, có 84% người có khuynh hướng phản kháng mãnh liệt lúc nhỏ có ý chí kiên cường, có chính kiến, có khả năng phân tích độc lập, phán đoán và quyết định. Chỉ có 26% người không có khuynh hướng phản kháng lúc nhỏ có ý chí kiên cường, số còn lại khi gặp chuyện không thể tự mình quyết định, không thể tự chịu trách nhiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ có hành vi phản kháng mãnh liệt thường có ý chí kiên cường khi trưởng thành.

Bởi vậy tranh cãi với con cái có thể được coi là một hình thức rèn luyện, không chỉ rèn luyện khả năng tư duy và khả năng ngôn ngữ, mà quan trọng hơn là rèn luyện khả năng xử lý mâu thuẫn. Nếu con cái biết cách đòi quyền lợi trong gia đình, thì sau này khi bước vào đời chúng mới có thể nêu ra yêu cầu của mình một cách rõ ràng, có lý trí với người khác, và đạt được nhận thức chung. Đó là biểu hiện của một tính cách chín chắn.

Khi nhớ về thời còn trẻ của mình, có ai lại chưa từng có mâu thuẫn gay gắt với cha mẹ? Những mâu thuẫn đó nếu được tận dụng thì cha mẹ sẽ giúp con học được rất nhiều kĩ năng. Những người chưa từng tranh cãi với cha mẹ lúc nhỏ, thì khi trưởng thành phải đối mặt với sự kháng cự của con cái họ, họ sẽ tỏ ra vô cùng bi quan, tuyệt vọng, không biết mình phải làm gì.

Bởi vậy, khi có mâu thuẫn với con cái, chúng ta hãy cố gắng hết mức để con mình nêu ra yêu cầu của chúng, nói ra lý do. Cho dù có tranh cãi, có nổi nóng, thì vẫn hơn là trẻ im lặng chịu đựng. Nhưng tranh cãi phải trong sự kiểm soát của cha mẹ, sau đó sự việc phải được giải quyết một cách ổn thỏa, có như vậy chúng ta mới đạt được mục đích rèn luyện con xử lý mâu thuẫn. Ngoài ra, cha mẹ phải có tố chất của người lớn, không được giận dỗi với con cái. Có người nói năng vụng về, tư duy không mạch lạc, nên khi đuối lý thì nổi trận lôi đình, làm cho sự việc càng nghiêm trọng hơn. Thực ra nói năng vụng về hay tư duy không mạch lạc không phải vấn đề quan trọng, quan trọng là sự khoan dung. Khi con cái có lỡ lời thì sau đó chúng sẽ phát hiện ra và sẽ cảm thấy áy náy trước thái độ khoan dung của cha mẹ. vấn đề trong gia đình sẽ được giải

quyết khi các thành viên thật sự hiểu nhau.

Lời kết

Bốn nguyên tắc trên sẽ giúp cho cha mẹ giao lưu với con cái thuận lợi hơn. Trong đó quan trọng nhất là cha mẹ có thể nói chuyện với con cái một cách bình đẳng, coi chúng là những người có khả năng tư duy nhất định.

Những bậc cha mẹ thông minh sẽ coi những mâu thuẫn, những bất hòa trong gia đình là điều thú vị, là điều không thể thiếu trong mối quan hệ gia đình. Khi con cái trưởng thành có cuộc sống độc lập, đó sẽ là những phút giây đáng nhớ với cha mẹ.

Một phần của tài liệu Làm gì khi trẻ nói không (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)