Ở trường, Kinh Kinh là một cậu bé rất ít nói, khi ở nhà cậu được cha mẹ hết sức nuông chiều. Không ngờ khi xảy ra sự việc khẩn cấp, cậu lại rất bình tĩnh, quả cảm, gọi điện thoại yêu cầu giúp đỡ và đã cứu được tính mạng của hai người chị họ. Lúc đó hai người chị họ của cậu bé bị ngộ độc khí than nguy hiểm đến tính mạng. Các phóng viên đã ghi lại câu chuyện như sau:
Một hôm, Kinh Kinh đến nhà bà nội chơi, lúc đó hai người chị họ Tiểu Lệ và Tiểu Mĩ cũng ở đó. Khoảng hơn 10 giờ tối, đến giờ đi ngủ, hai chị em Tiểu Mĩ, Tiểu Lệ đi tắm. 10 phút sau đột nhiên trong nhà tắm không thấy động tĩnh gì. Bà nội vội chạy đến, cửa phòng đóng chặt, nước ở trong tràn ra ngoài. Bà gõ cửa nhưng không ai trả lời, lại không thể đẩy cửa vào.
“Cứu với!” Bà nội hoảng hốt nhưng cũng không biết phải làm thế nào mà chỉ biết gọi tên Tiểu Mĩ, Tiểu Lệ.
Khi đó Kinh Kinh đang xem ti vi, cậu vội chạy lại. “Nhanh lên, Tiểu Mĩ, Tiểu Lệ gặp chuyện rồi!” Bà nội mặt trắng bệch, khi nhìn thấy Kinh Kinh đến thì như vớ được phao cứu sinh mà chẳng cần biết trước mặt bà chỉ là một cậu bé 8 tuổi.
Chưa để bà kịp nói gì, Kinh Kinh đã chạy ra phòng khách gọi di động cho bố. Lúc đó bố cậu đang đi công tác, và một cuộc giải cứu từ xa bắt đầu.
“Mở cửa sổ ra!” Bố cậu bắt đầu “chỉ huy”. Kinh Kinh đặt máy xuống, chạy đến chỗ gần cầu thang, cậu bé thấy cửa sổ nhà tắm đóng chặt, cậu cầm lấy cái chổi dựng ở góc tường đẩy vào cửa sổ, không có tác dụng gì.
Cậu lại chạy vào phòng khách, nhấc điện thoại lên: “Bố ơi, cửa sổ đóng chặt lắm!” “Bảo bà nội phá khóa ra! Mở cửa ra trước đã!” “Bà nội ơi, búa! Búa!” Kinh Kinh chạy như bay về phía bà.
Bà nội như bừng tỉnh, bà vội chạy đi tìm búa, nện vào kính trên cửa. “Rầm!” Kính vỡ tan. Bà bê chiếc ghế đến, đứng lên và nhìn vào trong: Trong làn hơi nước, Tiểu Mĩ, Tiểu Lệ đang nằm trên đất...
Kinh Kinh chạy đi gọi hàng xóm. Lúc đó mấy người hàng xóm dưới nhà khi nghe thấy tiếng động đã chạy lên, họ dùng búa phá khóa cửa.
Có người đến giúp đỡ rồi, Kinh Kinh lại chạy đến tường thuật sự việc cho bố: mở được cửa rồi, mọi người dùng ga trải giường quấn hai chị bế ra ban công để hít thở rồi.
Cảnh sát và xe cấp cứu cũng đến. Hai đứa trẻ được đưa vào bệnh viện. Đêm đó chúng đã thoát khỏi nguy hiểm.
Người cha của Kinh Kinh nhớ lại: “Khi đó tôi đi công tác, chỉ có cách hướng dẫn cháu qua điện thoại, không ngờ, vào lúc nguy cấp cháu lại rất dũng cảm.
Trước đây tôi cảm thấy Kinh Kinh không giống cha mẹ hồi nhỏ, nghĩ rằng cháu không chịu được khổ, cũng không hiểu chuyện. Lần này tôi không ngờ cháu lại bình tĩnh đến vậy, giúp được rất nhiều việc và cứu được tính mạng của hai chị”.
Nhận xét: Cho con cơ hội chính là cho mình cơ hội.
Khi gặp sự cố Kinh Kinh còn tỏ ra dày dạn kinh nghiệm và quả cảm hơn cả bà nội. Câu chuyện này một lần nữa cho chúng ta thấy, khi cho con cơ hội tự do phát huy bản thân, chúng sẽ làm nên những điều bất ngờ.
Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng giữ được bình tĩnh như vậy. Sự dũng cảm của Kinh Kinh có liên quan tới cá tính và khả năng bẩm sinh của cậu. Thật may mắn khi khả năng bẩm sinh này được phát huy đúng vào thời điểm thích hợp.
Chúng ta hãy giả sử rằng không có câu chuyện trên, thì Kinh Kinh sẽ như thế nào.
Nếu không có câu chuyện đó, thì có thể thấy rõ rằng, một cậu bé ít nói như Kinh Kinh mãi chỉ là một đứa trẻ bình thường trong con mắt mọi người. Sẽ khó để cho người khác chú ý đến cậu, cha mẹ cậu sẽ vẫn tiếp tục coi con mình là một đứa trẻ “không chịu được khổ, không hiểu chuyện”.
Những đứa trẻ “không chịu được khổ, không hiểu chuyện” vốn không phải do bẩm sinh. Hầu như các bậc cha mẹ đều ca thán về con mình như vậy. Nhưng qua câu chuyện của Kinh Kinh, chúng ta có thể thấy rằng, chỉ cần cho con cái cơ hội, chúng sẽ hoàn toàn có thể làm tốt công việc.