Đoạn kết bài viết nói với chúng ta rằng, không nên nuông chiều con cái, mà nên để chúng tự gánh chịu khó khăn và trách nhiệm trong cuộc sống. Cha mẹ sẽ có ngày không còn ở bên con cái, khi đó họ không thể làm giúp con mọi việc.
Dường như quan điểm đó rất hay. Nhưng người cha trong bài viết lại quá nhạy cảm. ông quá sợ hãi. Ông sợ con mình sẽ dựa dẫm cha mẹ, nên ngay từ sớm ông đã đối xử với con rất nghiêm khắc, ông hy vọng con mình nhận thức được sự tàn nhẫn của cuộc sống sớm hơn những đứa trẻ khác, để giành ưu thế trong các cuộc cạnh tranh sau này. Thế giới trong trí tưởng tượng của ông đầy sự bon chen, cạnh tranh, cách ông dạy con mình thật lạnh lùng. Nói cách khác, đó gọi là “thắng ở vạch xuất phát”.
Có thể “thắng ở vạch xuất phát” hay không thì chưa ai dám khẳng định. Bởi vì cái cách giáo dục thô bạo, áp đặt, cố chấp đó quả là không thể lý giải. Hiệu quả tích cực được nói đến trong bài viết thực tế là đang đi ngược lại quy luật tự nhiên, khiến mọi người nghi ngờ. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là, người con trong bài viết lại có một tình cảm sâu sắc với cách giáo dục theo kiểu ngược đãi này, thậm chí nó còn xuất phát từ sự chấp nhận từ trong tâm khảm. Có thể người con đã có được sự thành công tạm thời và sẽ áp dụng biện pháp này cho thế hệ sau.
Đối với người cha trong bài viết, cuộc sống như là một chiến trường khốc liệt, người con là cảm tử quân sắp xông vào trận địa quân địch. Trong trận địa, không có quá trình chỉ có kết quả, không có sự thương xót chỉ có máu và súng đạn, không có sự suy nghĩ chỉ có sự phục tùng. Chỉ có như thế, khi đối mặt giữa sự sống và cái chết trên chiến trường, người lính mới có thể cố hết sức giữ lấy tính mạng của mình để tiêu diệt kẻ địch.
Nguyên lý đó nếu áp dụng cho huấn luyện quân sự thì không phải tranh cãi gì nữa. Nhưng nếu áp dụng cho giáo dục gia đình, đặc biệt là giáo dục trẻ em thì đó lại là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi vì những người lính được huấn luyện đều đã đủ 18 tuổi, nhân cách đã cơ bản được định hình, việc rèn luyện nghiêm ngặt sẽ không gây nên tổn thương tâm lý nặng nề. Còn nhân cách của trẻ em vẫn chưa được định hình, dùng tư duy trong chiến tranh để giáo dục trẻ em sẽ tạo sức ép tâm lý cho trẻ, giết chết tính sáng tạo của trẻ, cuối cùng làm cho trẻ trở nên lạnh lùng, nhút nhát.