Hiểu khả năng của con

Một phần của tài liệu Làm gì khi trẻ nói không (Trang 36 - 39)

Một phụ huynh tìm đến trải lòng rằng, cậu con trai của mình học hành kém cỏi, chỉ thích gây gổ, thường xuyên dẫn đầu đám học sinh nghịch ngợm của trường, cha mẹ làm cách nào cũng không sửa đổi được.

Khi nghe chị phàn nàn câu đầu tiên tôi hỏi chị: “Chị có nghĩ con trai chị cố tình khiến chị tức giận không?” Vị phụ huynh này cảm thấy câu hỏi tương đối đột ngột, vì thế tôi bèn chuyển một cách khác: “Ngày nhỏ, những lần chị làm cho cha mẹ mình bực tức, chị có nghĩ là mình cố ý không?” Câu trả lời: “Đương nhiên là không rồi”. Có được sự đồng thuận này, chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện.

Cậu bé trong câu chuyện học tại một trường trung học bình thường trong thành phố, học lực trung bình yếu, cậu rất lạnh nhạt trong mối quan hệ với cha mẹ, nhưng trong đám bạn bè ngoài xã hội, cậu là người rộng lượng và có nghĩa khí, trong mắt bạn bè cậu cũng có tiếng nói nhất

định, đó cũng là lí do khiến cậu khá tự tin. Cha mẹ do lo sợ con mình học những thói xấu của bạn bè nên bằng mọi mối quan hệ chuyển cậu đến một trường trọng điểm có sự quản lí nghiêm ngặt, một mặt muốn cách li với những mối quan hệ bạn bè bên ngoài, một mặt mong muốn nâng cao thành tích học tập của con. Nhưng cậu con trai chuyển trường được một năm thì lực học lao dốc trông thấy, cậu bé nhanh chóng đứng cuối sổ trong bảng xếp hạng. Ngoài ra tính tình cậu bé cũng trở nên hung hăng, thường xuyên chống lại mọi thứ, không coi ai ra gì. Nghe vị phụ huynh kể xong câu chuyện, tôi đặt câu hỏi thứ hai: “Sở trường của con trai chị là gì?” Câu trả lời là: “Không có”.

Không có sở trường chắc chắn không thể tự tin, mà không tự tin sẽ dẫn đến một trong hai hậu quả sau:

Thứ nhất, đối với những người tính tình nhu nhược, không tự tin thể hiện ở sự trốn tránh mọi hoạt động, làm việc không đến đầu đến cuối.

Thứ hai, những người có tính cách mạnh mẽ, đặc biệt là thanh thiếu niên, nếu trong môi trường mình đang sinh hoạt, ví dụ như trong trường học, nếu không được mọi người nhìn nhận, không tìm thấy sự tự tin, trẻ sẽ đối đầu với những ai gây khó dễ cho mình bằng cách chống đối hoặc phá hoại.

Khi cậu bé đang học trong một trường trung học bình thường, cậu có được sự công nhận và ủng hộ từ bạn bè, tuy thành tích học tập không cao, nhưng ít nhất cũng đủ để giữ được sự tự tôn trọng cho bản thân. Khi rời xa đám bạn, cậu bé không còn ai để lắng nghe, để ca ngợi, cậu mất đi hệ thống động viên tích cực quan trọng nhất của xã hội, cộng thêm nền tảng kiến thức vốn đã thiếu hụt, càng không thể đáp ứng yêu cầu của một trường điểm, xếp hạng tụt xuống đội sổ, vì thế mà cậu hoàn toàn mất đi niềm tin.

Cậu bé với tính cách mạnh mẽ này đã lựa chọn cách chống lại trường học, thực tế là cách trả thù lại nhà trường, cậu bé đã nhầm tưởng rằng chính ngôi trường này đã cướp đi sự tự tin của mình.

Tôi mạnh dạn khen ngợi cậu bé trước mặt vị phụ huynh, tôi nói rằng cậu là người khi gặp khó khăn không buông xuôi chấp nhận số mệnh mà dám đứng lên chống lại, cậu bé có dũng khí của người dám chiến đấu, có phẩm chất dám đương đầu của một người chỉ huy, tuy cậu đã chọn nhầm đối tượng để chống lại, cách thức phản kháng cũng hoàn toàn sai lầm, thậm chí xuất hiện những vấn đề về tâm lí, nhưng vì cậu vẫn còn là một đứa trẻ, hơn nữa bản chất không phải là người xấu, vì vậy những chướng ngại này không phải là vô phương cứu chữa.

Trẻ không nghe lời chắc chắn sẽ khiến người lớn tức giận, nhưng chúng ta cần phải tin rằng, cũng như khi cha mẹ ngày nhỏ, con cái không hề cố ý chọc giận người lớn, quan trọng là thái độ của cha mẹ đối với trẻ thế nào.

Chúng ta hãy phân tích thái độ của mình đối với trẻ, thái độ quyết định tất cả, khi thái độ thay đổi nghĩa là thế giới cũng trở nên hoàn toàn khác.

Thứ nhất, tình yêu của cha mẹ dành cho trẻ một phần đến từ sự thánh thiện, đáng yêu của đứa trẻ. Đa phần người lớn rất mâu thuẫn, một mặt muốn trẻ trưởng thành để thấy được thành quả nuôi dạy của mình, một mặt lại muốn trẻ mãi mãi nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, đồng thời cứ mãi nhỏ bé như vậy.

Thứ hai, trẻ không phải lúc nào cũng xuất hiện với vẻ mặt thánh thiện đáng yêu, đặc biệt là khi chúng biết nói “không” với cha mẹ, chúng ta phải làm thế nào? Thứ ba, cha mẹ coi trẻ là gì, đồ chơi, công cụ hay một con người thực sự? Thứ tư, nếu coi là một con người, cha mẹ coi trẻ là người thế nào? Là đồng nghiệp, bạn bè, lãnh đạo, đấng cứu tinh hay là người đồng hành? Tất cả những câu hỏi trên đều dẫn đến một hướng, trẻ không phải là thứ đồ chơi thuộc sở hữu riêng của bố mẹ, sẽ có một lúc nào đấy chúng đụng độ với chúng ta, nói “không” với những người sinh ra chúng, cho đến tận khi chúng đủ lông đủ cánh tự bay lượn và vượt khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ để tự tìm cho mình một chân trời riêng.

Một phần của tài liệu Làm gì khi trẻ nói không (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)