Nói chuyện khó hơn viết văn rất nhiều. Khi viết, bạn có thể suy nghĩ cẩn thận, sửa chữa nhiều lần, nhưng lời nói thì không như vậy, một khi đã nói ra thì tứ mã cũng khó đuổi. Vì vậy bạn cần phải hết sức chú ý khi nói chuyện với người khác.
Nếu không phải là tán gẫu bình thường thì trước khi nói bạn cần phải chuẩn bị sẵn ở trong đầu, tránh sai sót khi nói. Khi nói thần thái phải ung dung, tự nhiên trôi chảy, đôi mắt nhìn thẳng vào mặt đối phương, thể hiện ánh mắt chân thành, thân thiết. Hơn nữa, luôn luôn để ý đến phản ứng không lời của người ta, xem họ có tán thành hay không để kịp thời điều chỉnh cách nói của bạn.
Nếu thấy đối phương bồn chồn, có vẻ không muốn nghe nhiều thì bạn nên kết thúc vấn đề, nếu thấy đối phương có vẻ nghi ngờ thì bạn cần phải giải thích kỹ càng. Nếu đối phương vui vẻ chấp nhận thì bạn nên nói thẳng không nên vòng vo. Thấy đối phương muốn chêm lời thì bạn hãy để cho người ta có cơ hội được nói.
Bạn cần chú ý đến những câu trả lời của đối phương. Cùng là một câu “ừ” nhưng có ý cách khác nhau, đó có thể là biết rồi, là kinh ngạc, hoặc là nghi ngờ... Nếu đối phương nói “Được thôi, cứ làm theo ý của cô” thì tức là đã hoàn toàn chấp nhận, nhưng nếu nói “Được thôi, để sau hãy nói” thì tức là không đồng ý, hoặc là “Được thôi, để tôi suy nghĩ đã” thì về nguyên tắc có thể được nhưng cần phải thảo luận thêm, nếu nói “Được thôi, cô sẽ nghe thấy câu trả lời của tôi”, thì tức là đối phương sẽ giúp đỡ bạn, hoặc là “Được thôi, tôi sẽ để ý giúp cô”, thì tức là không có gì chắc chắn cả. “Được thôi tôi sẽ nghĩ cách giúp cô” thì tức là đối phương sẽ chịu trách nhiệm giúp vài phần. Bạn có thể hiểu được ý tứ sâu xa trong lời nói của đối phương thì sẽ biết lần nói chuyện này có thành công hay không. Những người khéo léo không bao giờ để lộ ý của mình, dễ làm bạn hiểu nhầm ý chân thành của họ.