Người ta đang bực tức trút giận lên bạn rất vô lý mà bạn nhường nhịn, nói năng dịu dàng thì sẽ dập tắt được cơn giận ấy và đổi lại được nụ cười của người ta. Như một nhân viên của cửa hàng đồ sứ phải tiếp một nữ khách hàng khó tính, sau hơn nửa tiếng đồng hồ giới thiệu rất nhiều mặt hàng mà cô khách hàng vẫn chưa chọn được một món hàng, do nhiều khách nên anh nhân viên vội đi giới thiệu sản phẩm cho một khách hàng khác. Nữ khách hàng cho rằng mình bị đối xử lạnh nhạt nên mặt nặng mày nhẹ lớn tiếng trách mắng “Anh phục vụ kiểu gì đấy, anh không thấy tôi là người đến trước hay sao mà để mặc tôi thế này?”. Nói rồi cô ấy vứt tiền lên quầy và ra lệnh: “Thanh toán nhanh cho tôi, tôi còn có việc khác” câu nói ấy thật khó nghe. Nếu gặp phải nhân viên khó tính thì chắc sẽ cãi nhau to nhưng anh nhân viên kia đã không lên tiếng tranh chấp với người khách nọ, anh thu xếp cho các vị khách hàng khác xong thì tươi cười đến chỗ cô nói: “Xin lỗi chị, mong chị thông cảm, cửa hàng chúng tôi bận quá nên phục vụ chị không chu đáo, rất vui vì chị đã đóng góp ý kiến cho chúng tôi”. Những câu nói nhường nhịn và chân thành của anh nhân viên đã làm cho cô khách hàng đỏ mặt, xấu hổ nói “Mong anh thông cảm, vừa nãy tôi nói không được dễ nghe lắm”.
Bạn thấy đấy, anh nhân viên đã lấy “hòa khí” đối chọi với “tức giận”, bề ngoài thì có vẻ “tình cảm dịu dàng như dòng nước êm đềm” nhưng thực tế lại “có sức mạnh thắng ngàn vạn đao kiếm”, tạo ra hiệu quả tích cực. “Có lý không phải ở lời lẽ to tiếng”. Với cách nói nhường nhịn như vậy mới thể hiện sự tôn trọng, khoan dung và thấu hiểu người khác, bản thân điều này đã tạo ra sự cảm hóa và từ đó làm cho tâm lý đối phương thay đổi. “Tức giận” mà gặp “hòa khí” thì sẽ mất đi đối tượng trút giận nên tự nhiên sẽ hết giận. Bạn cũng biết, nhiều khi sự khoan dung khơi dậy và làm rung động đạo đức mạnh mẽ hơn sự trừng phạt. Như vậy nói năng nhường nhịn bằng khoan dung là cách nói năng có nhiều sức chinh phục nhất.