Ở Việt Nam, Phật giáo ghi dấu ấn đậm nét không chỉ trong đời sống tôn giáo mà còn trong đời sống xã hội. Vì lẽ đó không thể phủ nhận mối quan hệ qua lại giữa Phật giáo với chính quyền. Các vị cao tăng đã nhận thức sâu sắc về sự tác động rất lớn của Nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo: “Trong một quốc gia, Phật giáo và chính quyền không thể không có quan hệ lẫn nhau. Bảo rằng Phật giáo có thể tồn tại độc lập với chính quyền là một điều thiếu thực tế. Nếu được sự ủng hộ của chính quyền việc hoằng pháp sẽ thuận tiện gấp bội lần” [139, tr.298]. Vì vậy, trong quá trình vận động thống nhất Phật giáo cũng
như sau khi thành lập GHPGVN, các tăng sĩ tìm kiếm sự đồng thuận trong quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Việc trở thành thành viên của MTTQ là sự tiếp nối truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, tiếp nối truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam và tư tưởng lục hòa của Phật giáo. Sự kiện này một mặt khẳng định vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị của đất nước, mặt khác thể hiện sự đồng thuận, chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với Giáo hội và qua đó tìm được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước cho sự phát triển của mình. Điều này có nghĩa, mọi quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ tác động đến hoạt động của Phật giáo Việt Nam. Nói cách khác, muốn tìm hiểu hoạt động của Phật giáo Việt Nam về lĩnh vực nào đó ở giai đoạn nào đó cần tham chiếu quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta từng giai đoạn. Bởi mỗi quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta được ban hành đều gắn với tình hình thực tiễn đất nước từng giai đoạn.
Giai đoạn 1981-1990, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn chủ yếu do bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế. Đó là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, thành trì của các nước chủ nghĩa xã hội. Trong nước, chúng ta bắt đầu tiến hành sự nghiệp đổi mới. Trước bối cảnh như vậy, GHPGVN xây dựng đường hướng hành đạo "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Điều này thể hiện niềm tin của Giáo hội vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta đối với con đường phát triển tương lai [68, tr.121]. Giai đoạn này, do nước ta bắt đầu tiến hành đổi mới, phát triển kinh tế, nên vấn đề môi trường chưa ô nhiễm nặng nề. Hơn nữa, sau khi thống nhất 9 tổ chức, hệ phái thành một tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong quan hệ với Nhà nước, nên giai đoạn này, GHPGVN chưa có chủ trương BVMT một cách chính thức. Nhưng mỗi Tăng ni, Phật tử vẫn góp phần BVMT thông qua các việc ăn chay, phóng sinh,... Nhìn chung, hoạt động BVMT của PGVN giai đoạn này mang tính cá nhân và tự phát.
Năm 1990, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị v tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới được xem là bước ngoặt trong sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo. Tiếp đó, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004 , tại Điều 33, quy định việc Nhà nước khuyến khích các hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo. Điều này đánh dấu những thay đổi về luật pháp đối với tổ chức tôn giáo. Nhà nước công nhận vai trò của các tổ chức tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đối với xã hội; cũng thấy các tổ chức tôn giáo là lực lượng đáng kể có thể huy động để giải quyết các vấn đề xã hội. Nhận thức này tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó "cần phải nói tới vai trò của Phật giáo trong bảo vệ môi trường" [97; tr.7].
Từ thập niên cuối của thế kỷ XX đến những năm đầu của thế kỷ XXI, nước ta tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tăng đầu tư, khai thác tài nguyên, nên không tránh khỏi làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đảng ta chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và BVMT. Trước chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho vấn đề cấp thiết này, GHPGVN đã tổ chức và tham gia một số hoạt động BVMT do chính quyền phát động nhằm chung tay giải quyết vấn đề mà nhân loại đang dành sự quan tâm đặc biệt. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là cuộc vận động lớn, mang tính toàn dân, toàn diện do UBTƯMTTQ Việt Nam phát động từ tháng 5/1995 nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng. Cuộc vận động đã nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong đó có chức sắc các tôn giáo. Hưởng ứng cuộc vận động này, phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu” do UBTWMTTQ Việt Nam và Hội đồng Trị sự GHPGVN phát động được Tăng ni, Phật tử khắp các tỉnh thành trong cả nước tổ chức thực hiện.
Phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu” được triển khai thực hiện với 5 tiêu chí cụ thể, phù hợp với giáo lý, giáo luật của Phật giáo, trong đó tập trung vận động Phật tử đoàn kết, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bài trừ mê tín dị đoan, tích cực tham gia các tổ chức xã hội và hoạt động xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp phát động như phong trào từ thiện nhân đạo, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư... Ở Nam Định, từ kinh nghiệm tổ chức điểm ở huyện Ý Yên năm 1999, phong trào đã nhanh chóng phát triển đều khắp trên địa bàn 10/10 huyện, thành phố trên toàn tỉnh và được đông đảo Tăng ni, Phật tử hưởng ứng. Hằng tháng, trong các buổi lễ, trụ trì và Tăng ni các chùa đã gắn các bài thuyết pháp với việc tuyên truyền, vận động Phật tử nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện tốt 5 tiêu chuẩn của phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu”. GHPGVN các tỉnh, thành phố đã phối hợp với MTTQ các cấp tổ chức hàng ngàn cuộc tọa đàm về thực hiện phong trào. Để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính thiết thực hiệu quả, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố đã lồng ghép phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu” với các phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội”, “Tâm sáng hướng thiện”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” và gắn với các mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, phong trào xây dựng nông thôn mới để Phật tử và mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia hưởng ứng, tích cực ủng hộ.
Phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu” trở thành điểm sáng của cả nước, tạo thành nét đặc sắc trong Phật giáo. Riêng tỉnh Nam Định có 394 chùa đạt danh hiệu “Chùa tinh tiến”, trong đó có 50 chùa đạt danh hiệu “Chùa tinh tiến” 10 năm liên tục, 430 lượt chùa được UBND, MTTQ các cấp khen thưởng, gần 300 khu dân cư có đồng bào theo đạo Phật được công nhận
là “Làng văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư 5 không”, “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội”,v.v…
Kết quả đạt được trong phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu” của GHPGVN đã thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, vận động Phật tử xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Kết quả này minh chứng cho sự thích ứng của Phật giáo Việt Nam với sự biến đổi của xã hội thế tục. Tuy nhiên, hoạt động BVMT của Phật giáo Việt Nam giai đoạn này vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu bền vững và thiếu bài bản.
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, vấn đề môi trường ở nước ta diễn ra ngày một nghiêm trọng và tác động xấu tới đời sống của người dân. Gần đây nhất, cuối năm 2020, miền Trung đã phải hứng chịu 13 cơn bão nhiệt đới, "lũ chồng lũ, bão chồng bão" gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong một thế kỷ trở lại đây. Một phần, đó là hậu quả của một thời gian dài nước ta chú trọng phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức tới BVMT. Trong bối cảnh đó, quan điểm, chính sách liên quan đến BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa đạng sinh học, biến đổi khí hậu được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan được ban hành. Trong điều kiện mới, Phật giáo Việt Nam phải tự biến đổi để tồn tại. Trong đó, nhập thế là cơ hội để Phật giáo gia tăng các hoạt động hướng đến xã hội, ý thức trách nhiệm của mình với vấn đề BVMT là một trong những nội dung quan trọng. Nhiều mô hình BVMT của GHPGVN được triển khai thực hiện mô hình chùa Pháp Bảo, TP. Hồ Chí Minh; mô hình trung tâm hỗ trợ cộng đồng chùa Hải Đức, TP. Huế là cơ sở để GHPGVN lựa chọn tiếp tục xây dựng thành những mô hình điểm nhân rộng trong cộng đồng Phật giáo cả nước.