Cấu trúc nhân lực của một tập đoàn dầu khí

Một phần của tài liệu nguyen_thi_hong_hue_la (Trang 47 - 50)

Cấu trúc NL của một doanh nghiệp là phạm trù kinh tế có liên quan đến quan hệ phân bổ và sử dụng NL với tính cách là một yếu tố sản xuất, một bộ phận nguồn lực không thể thiếu của sản xuất đối với một doanh nghiệp nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Do nguồn NL là có giới hạn, nên việc bố trí, sử dụng NL phải được cân nhắc, tính toán theo nguyên tắc hiệu quả, tránh lãng phí. Do tập đoàn dầu khí Việt Nam là một doanh nghiệp đồng thời là một hình thức tổ chức kinh tế có tính chất như một ngành kinh tế, trong đó việc cung ứng sản phẩm là dầu và khí được sản xuất ra trên cơ sở kết hợp hoạt động của nhiều đơn vị thuộc nhiều ngành nghề khác nhau với các bộ phận NL khác nhau, nên để sử dụng nguồn NL của Tập đoàn có hiệu quả, cần tiếp cận cấu trúc hay cơ cấu NL trong một doanh nghiệp.

Đến nay, trong các lý thuyết về kinh tế, có nhiều cách chia NL trong một doanh nghiệp dựa trên các tiêu thức khác nhau. Vận dụng vào tập đoàn dầu khí, có thể phân chia NL của doanh theo các tiêu thức:

- Nếu căn cứ vào vị trí công việc mà người lao động đảm nhiệm trong tập đoàn, tức là phân chia theo theo ngành nghề hoạt động, thì NL của Tập đoàn dầu khí bao gồm ba bộ phận: (i) NL làm các công việc nghiên cứu địa chất, tìm kiếm, thăm dò và khai thác mỏ (những người này thực hiện các khâu từ bắt đầu khảo sát địa chất cho đến khi đưa được dầu hoặc khí lên miệng giếng); (ii) NL làm các công việc vận chuyển, tàng trữ dầu khí (thực hiện các hoạt động kết nối khai thác với chế biến và tiêu thụ với các phương tiện như kho chứa, vận chuyển bằng đường ống và tàu dầu); và (iii) NL thực hiện các hoạt động xử lý, chế biến (lọc dầu, hóa dầu, hóa khí) và phân phối sản phẩm (tính từ khi nhận dầu hay khí từ nơi sản xuất của khu khai thác đến các công việc lọc, chế biến, hóa dầu, kinh doanh và phân phối các sản phẩm dầu khí. Tuy ba nhóm NL này hoạt động ở ngành nghề khác nhau nhưng đều hướng vào sản phẩm chung là dầu khí để cung ứng ra thị trường. Do đó, quá trình hoạt động của chúng tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành cơ cấu NL của tập đoàn dầu khí theo phân ngành.

- Có thể căn cứ vào năng lực trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động để xác định cấu trúc NL của tập đoàn. Cũng như ở tất cả các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân, kết cấu NL trong tập đoàn dầu khí có thể được xác định về số lượng theo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Theo cách này, NL của Tập đoàn dầu khí bao gồm 5 bộ phận: (i) NL chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật; (ii) NL là công nhân kỹ thuật có trình độ bằng sơ cấp và chứng chỉ nghề không kể thời gian đào tạo khác nhau; (iii) NL có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; (iv) NL có trình độ cao đẳng; và (v) NL có trình độ đại học trở lên.

- Cấu trúc NL còn được xem xét ở các tiêu thức khác:

Theo nhóm tuổi, có thể chia NL thành các nhóm cách nhau 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy mục tiêu nghiên cứu.

Theo giới tính, tổng số NL được chia thành hai nhóm: nhóm NL là nam giới và nhóm NL là nữ giới.

Phân chia NL theo quốc tịch: gồm NL dầu khí là người Việt Nam; NL dầu khí là người nước ngoài. Trong bộ phận NL là người nước ngoài còn có thể phân chia thành các bộ phận, ví dụ như người Nga, người Malaysia, người Canada, người Australia...,

Theo địa bàn làm việc, có thể phân chia tổng số NL của tập đoàn đang làm việc ở trong nước và NL làm việc ở lãnh thổ nước ngoài theo các hợp đồng dự án...

Nếu xác định cấu trúc tổng hợp theo thời gian, vị trí công việc trong doanh nghiệp, thì NL của Tập đoàn dầu khí bao gồm hai bộ phận: (i) NL quản lý, lãnh đạo; và (ii) NL trực tiếp sản xuất và phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp trong tập đoàn. Tất nhiên, việc phân chia NL thành hai bộ phận quản lý, lãnh đạo và lao động trực tiếp chỉ có tính tương đối. Bởi vì, trên thực tế người làm công tác lãnh đạo, quản lý thường là những người có tay nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở một ngành nhất định rất cao. Họ có thể trực tiếp tham gia vào sản xuất ở những khâu cần thiết có tính "chỉ tay, dạy việc" để dần dần người lao động sẽ thành thạo và làm tốt hơn. Ngược lại, người lao động trực tiếp khi đã thành thạo công việc, có khả năng tổ chức quản lý thì có thể được "cất nhắc" hay "tôn vinh" thành người quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Do là đề tài thuộc chuyên ngành kinh tế chính trị nên tác giả luận án quan tâm đến tất cả các cách phân chia để xác định cấu trúc NL của tập đoàn kinh tế nêu trên. Mục đích của việc quan tâm này là muốn phân tích và đánh giá thực trạng cơ cấu NL của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đây là một nội dung trong nghiên cứu NL của tập đoàn để có cơ sở đề xuất giải pháp phát triển.

Trên đây là những phân tích về mặt lý thuyết cơ cấu NL vận dụng cụ thể vào tập đoàn dầu khí trong hội nhập quốc tế. Việc xác định cấu trúc NL của tập đoàn dầu khí có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển NL,

tìm kiếm phương thức, cơ chế tổ chức quản lý việc thu hút, phân bổ, sử dụng và phát triển nguồn lực này trong từng bộ phận, doanh nghiệp một cách hợp lý, tiết kiệm nhất để đạt mục tiêu phát triển có hiệu quả nhất trong mỗi quy mô sản xuất tại một giai đoạn cụ thể. Điều đáng quan tâm ở đây là dù xác định cấu trúc NL theo cách nào chăng nữa thì những người lao động có tài năng vẫn là là tài sản NL trọng yếu của tổ chức. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng người tài chính là nguồn lực tạo ra thế mạnh cạnh tranh của một doanh nghiệp cả trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Một phần của tài liệu nguyen_thi_hong_hue_la (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w