Những hoạt động kinh tế chủ yếu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam

Một phần của tài liệu nguyen_thi_hong_hue_la (Trang 87 - 91)

Từ khi thành lập đến nay, PVN được Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ sản xuất, dịch vụ trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, trong đó có 5 hoạt động chủ yếu gồm: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; công nghiệp dầu khí; công nghiệp điện; và dịch vụ dầu khí. Các hoạt động này là cơ sở để Tập đoàn có nhu cầu về NL cần thiết cho việc thực hiện. Dưới đây là tổng quát các hoạt động kinh tế chủ yếu của PVN thời gian qua.

- Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí:

Đây là ngành kinh doanh chính của PVN. Những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đầu tiên của Tập đoàn kể từ khi phát hiện mỏ khí Tiền Hải trữ lượng tại chỗ khoảng 1,3 tỷ mét khối, trữ lượng thu hồi khoảng hơn 600 triệu mét khối và đưa vào khai thác tháng 3/1975 với sản lượng 45-50 triệu mét khối/năm. Tháng 9/1975, khi còn trong cơ chế kinh tế cũ, ngoài việc quản lý nhà nước về toàn bộ tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trong cả nước, PVN còn được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu mỏ trong và ngoài nước (Quyết định số 170/CP ngày 3/9/1975 của Chính phủ). Trên cơ sở Hiệp định khung giữa nước ta và Liên xô (cũ), năm 1981, thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Năm 1985, đã phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Sau đó liên tục phát hiện ra mỏ Rồng (năm 1985) và mỏ Đại Hùng (năm 1988), mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam. Năm 1988, Vietsovpetro tiến hành khai thác tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với lưu lượng mỗi giếng trên 1.000m3/ngày đêm đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp mới - Công nghiệp khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam [71].

Trong giai đoạn 2011 - 2015, PVN tăng cường hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí rộng khắp trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa, bao gồm cả vùng

nước sâu xa bờ. Hoạt động thăm dò dầu khí đã tìm kiếm với 61.328 km địa chấn 2D, 35.139 km2 địa chấn 3D, 3D/4C, 125 giếng khoan thăm dò thẩm lượng. Đã phát hiện 24 địa điểm dầu khí mới với nhiều phát hiện dầu khí quan trọng như mỏ Cá Voi Xanh, Đại Nguyệt…Hoạt động này đã làm gia tăng trữ lượng đạt 208,28 triệu tấn quy dầu, sản lượng khai thác đạt gần 133,54 triệu tấn, trong đó có 84,76 triệu tấn dầu thô và 48,78 tỷ m3 khí, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác thăm dò dầu khí giai đoạn tiếp theo và thu hút, phát triển NL dầu khí [71].

- Chế biến dầu khí:

Chế biến dầu khí là một trong năm ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi của PVN, là một mắt xích quan trọng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh của ngành dầu khí Việt Nam từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác - khí - điện - chế biến - phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí, cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế đất nước như xăng dầu, phân bón, hóa chất, nhựa, xơ sợi… PVN tập trung đầu tư xây dựng và phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất tích hợp hóa dầu sản xuất nhựa Polypropylen (vận hành từ 2010), các nhà máy Đạm Phú Mỹ (vận hành từ 2004), Cà Mau (vận hành từ 2012), Nhà máy chế biến condensate Phú Mỹ (vận hành từ 2002) đã được đưa vào vận hành, khai thác có hiệu quả đã cung cấp ra thị trường tính đến hết năm 2015 tổng cộng khoảng 53 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, phân bón, nhựa, hóa chất, xơ sợi các loại (trong đó khoảng 40 triệu tấn xăng dầu của NMLD Dung Quất và Nhà máy chế biến condensate Phú Mỹ, khoảng 12 triệu tấn phân urê, khoảng 1 triệu tấn nhựa, hóa chất, xơ sợi các loại). Tổng doanh thu lĩnh vực chế biến dầu khí của Tập đoàn đến hết năm 2015 đạt 831 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26,4 ngàn tỷ đồng, đóng góp ngân sách cho Nhà nước tổng cộng 126 ngàn tỷ đồng. Đến nay, công nghiệp chế biến dầu khí đã đóng góp khoảng 20%- 25% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn [71].

- Công nghiệp khí:

Công nghiệp khí là ngành được PVN phát triển từ năm 1990 với việc thành lập Công ty khí đốt (từ tháng 5/2011 chuyển thành Tổng công ty Khí

Việt Nam - CTCP: PV Gas) nhằm tận thu nguồn khí trong khai thác dầu. PV Gas có chức năng, nhiệm vụ thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Tổng Công ty khí Việt Nam đã đưa vào hoạt động hệ thống khí Bạch Hổ, rồi mở rộng thành hệ thống khí Cửu Long, với các giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống vận chuyển khí từ các mỏ dầu khí thuộc bể Cửu Long, vào bờ và lên đến Phú Mỹ, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải, các Trạm phân phối khí. Năm 1995, đã đưa dòng khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ để cung cấp cho Nhà máy điện Bà Rịa với công suất 1 triệu m3/ngày. PV Gas mở rộng sản xuất sang phát triển giàn nén khí nhỏ, giàn nén khí lớn ngoài khơi và hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ, công suất đưa khí vào bờ được nâng dần lên 2 triệu m3/ngày vào đầu năm 1997 rồi lên trên 5 triệu m3/ngày vào năm 2002 để vận chuyển nguồn khí từ các mỏ khác thuộc bể Cửu Long: mỏ Rạng Đông 2002, Cá Ngừ Vàng, Phương Đông 2008, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen 2009, Vòm Bắc, Rồng, Đồi Mồi 2010, Tê Giác Trắng 2011, Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng 2013, Đại Hùng năm 2015… đến các nhà máy điện, đạm và các khách hàng khác trong tam giác kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ là Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, công nghiệp khí của PVN đã vận chuyển và cung cấp 10 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp, làm nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia và đáp ứng 70% nhu cầu đạm trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu cho nhiều nhà máy công nghiệp khác; kinh doanh trên 1,2 triệu tấn LPG/năm, chiếm 70% thị phần trong nước; vận chuyển và kinh doanh 200.000 tấn Condensate/năm. PVN đang tích cực triển khai mở rộng sang các dự án mới như: Dự án khí lô B - Ô Môn, nhập khẩu LNG, v.v… Các dự án này sẽ tạo khả năng để thu hút và phát triển NL.

-Công nghiệp điện:

Công nghiệp điện là ngành kinh doanh chính của PVN. Năm 1981, lần đầu tiên PVN đưa dòng khí công nghiệp tại Giếng khoan 61 mỏ Tiền Hải với lưu lượng 100.000 m3/ngày đêm vào buồng đốt tuabin nhiệt điện tại Tiền Hải phát ra dòng điện công suất 10 MW hòa lưới quốc gia. Năm 2001, Tập đoàn đã đầu tư các Dự án Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2. Năm 2007, thành lập Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và các Ban quản lý dự án để quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án điện theo nhiệm vụ Chính phủ giao. Đến nay, PVN đã làm chủ được việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy điện khí, thủy điện và từng bước chuẩn bị cho vận hành, bảo trì bảo dưỡng các nhà máy điện than.

Đến nay, PVN đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả 4 nhà máy nhiệt điện khí, 3 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy nhiệt điện than với quy mô công suất 4.208,2 MW (Cà Mau 1 và 2: 1500 MW, Nhơn Trạch 1: 450 MW, Nhơn Trạch 2: 750 MW, Thủy điện Hủa Na 180 MW, Đăkđrinh 125 MW, Nậm Cắt 3,2 MW và NMNĐ Vũng Áng 1: 1.200 MW), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong các tháng mùa khô. Tổng sản lượng điện của PVN đã đạt từ 8,54 tỷ kWh trong năm 2009 tăng lên 16,69 tỷ kWh năm 2014 và 21,98 tỷ kWh năm 2015. Sản lượng điện lũy kế của PVN từ khi vận hành đến thời điểm hiện tại đạt trên 113 tỷ kWh.

Hiện nay, để đảm bảo nhu cầu phát triển nguồn điện theo Chiến lược đã đề ra, PVN đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4 dự án nhiệt điện than: Long Phú 1, Quảng Trạch, Sông Hậu 1, và Thái Bình 2. PVN cũng đang triển khai nghiên cứu phát triển các dự án điện khí từ nguồn nhiên liệu khí tại Dự án điện khí Kiên Giang sử dụng khí Lô B, Dự án điện Khí sử dụng Khí từ mỏ Cá Voi Xanh và các dự án điện khí LNG (Nhơn Trạch 3, Sơn Mỹ 2). Sự phát triển công nghiệp điện với các dự án này đang đạt ra yêu cầu thu hút và phát triển NL dầu khí của PVN.

- Dịch vụ dầu khí:

Đây là ngành kinh doanh chính của PVN và là một hoạt động kinh tế quan trọng trong công nghiệp dầu khí Việt Nam với mục tiêu làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, nâng tỷ trọng dịch vụ dầu khí lên 28 - 30% tổng số doanh thu của toàn ngành.

Hoạt động dịch vụ dầu khí của PVN đã từng bước được phát triển mạnh và đồng bộ trong tất cả loại hình dịch vụ gồm: dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tài chính, bảo hiểm, vận chuyển dầu khí, tư vấn hỗ trợ sản xuất, khoa học, đào tạo; có mặt và tham gia vào tất cả các khâu: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ và phân phối của ngành dầu khí.

Bên cạnh việc đáp ứng thị trường trong nước, PVN còn tích cực phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài với các đơn vị trong ngành như: PTSC, PV Drilling, PVC, PVI, PV Trans, PVOIL... Trong năm 2015, doanh thu từ dịch vụ dầu khí đã chiếm trên 30% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn.

Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí ngày càng khốc liệt, PVN phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tập trung xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài và tích cực học tập chuyển giao công nghệ để nâng dần tỷ trọng thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao; hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó việc tập trung phát triển nguồn NL tất yếu được đặt ra.

Cùng với 5 ngành kinh tế trên, PVN còn phải bảo đảm NL cho hoạt động của Công ty mẹ, 4 văn phòng đại diện, 10 ban quản lý dự án và các bộ phận hành chính, dịch vụ khác. Tổng số NL trong Tập đoàn tính đến hết năm 2010 là 54.632 người.

Một phần của tài liệu nguyen_thi_hong_hue_la (Trang 87 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w