2.3.1.1 Môi trường chính trị và pháp luật
Chính trị và pháp luật là nền tảng cho sự phát triển kinh tế cũng như là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở bất cứ thị trường nào dù là trong nước hay nước ngoài. Một nền kinh tế ổn định cần phải có nền chính trị và pháp luật ổn định. Chính sách cũng như các văn bản pháp luật sẽ điều
chỉnh trực tiếp tới các chính sách kinh tế, do đó ảnh hưởng tới các hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt tại các quốc gia mà chính trị bất ổn thì rủi ro thiệt hại cho các công ty có hoạt động thương mại quốc tế lại càng lớn. Luật pháp rõ ràng, chính trị ổn định là môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Những biến động trong môi trường chính trị, xã hội ở những quốc gia có liên quan trong hoạt động giao nhận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy trình giao nhận hàng xuất nhập khẩu bằng đường hàng không. Sự ổn định chính trị, xã hội của mỗi quốc gia không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia đó phát triển mà còn là một trong những yếu tố để các quốc gia khác và thương nhân người nước ngoài giao dịch và hợp tác với quốc gia đó. Chẳng hạn như ở một quốc gia có xảy ra xung đột vũ trang thì sẽ không thể tiến hành nhận và giao hàng cho hãng hàng không (nếu đó là nước gửi hàng) hoặc giao và nhận hàng đến tay người nhận hàng (nếu đó là nước nhận hàng) hoặc máy bay phải thay đổi lộ trình (nếu đó là nước đi qua),… Những biến động về chính trị, xã hội sẽ là cơ sở để xây dựng những trường hợp bất khả kháng và khả năng miễn trách cho người giao nhận cũng như người chuyên chở.
Về môi trường pháp luật, phạm vi hoạt động giao nhận hàng xuất nhập khẩu bằng đường hàng không liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau. Nên môi trường luật pháp ở đây cần được hiểu là môi trường luật pháp không chỉ của quốc gia hàng hoá được gửi đi mà còn của quốc gia hàng hoá đi qua, quốc gia hàng hoá được gửi đến và luật pháp quốc tế. Các bộ luật của các quốc gia cũng như các Công ước quốc tế không chỉ quy định về khái niệm, phạm vi hoạt động mà quan trọng hơn nó quy định rất rõ ràng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của những người tham gia vào lĩnh vực giao nhận. Cho nên, việc hiểu biết về những nguồn luật khác nhau, đặc biệt là của những quốc gia khác sẽ giúp người giao nhận tiến hành công việc một cách hiệu quả nhất.
2.3.1.2 Môi trường kinh tế
Yếu tố kinh tế bao gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của nền kinh tế, sự ổn định của giá cả, Lạm phát, tỷ giá hối đoái và kim ngạch xuất nhập khẩu... làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giao nhận vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đường hàng không. Những diễn biến của
môi trường kinh tế bao giờ cũng chứa đựng những cơ hội và đe doạ khác nhau đối với việc phát triển dịch vụ giao nhận vận tải đường hàng không của doanh nghiệp. Một nền kinh tế tăng trưởng nhu cầu dân cư tăng lên, mức độ hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước cũng sẽ tăng lên cao, sự cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt. Vì vậy, doanh nghiệp cần theo dõi phân tích những biến động của các yếu tố kinh tế để đưa ra giải pháp và các chính sách tương ứng cho từng thời điểm cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu khách hàng, tăng uy tín và độ tin cậytrên thị trường.
2.3.1.3 Khách hàng
Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc vào khách hàng vì khách hàng là nguồn thu đầu vào của công ty, do đó doanh nghiệp cần đáp ứng tốt và tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Khách hàng là thị trường của doanh nghiệp, đồng thời cũng là một trong những lực lượng chi phối mang tính quyết định tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với hoạt động giao nhận hàng xuất nhập khẩu đường hàng không, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thì sự hài lòng của khách hàng sẽ là chỉ tiêu quan trọng giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động. Tuy nhiên, khách hàng có thể tạo áp lực doanh nghiệp bằng cách ép giá hoặc đòi hỏi chất lượng phục vụ cao hơn. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các đòi hỏi quá cao của khách hàng thì doanh nghiệp cần phải thương lượng với khách hàng hoặc tìm kiếm khách hàng mới có ít ưu thế hơn
2.3.1.4 Nhà cung ứng
Với việc đóng vai trò là nhà cung ứng dịch vụ vận tải hàng hóa trực tiếp thì số lượng và quy mô nhà cung cấp sẽ quyết định đến hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đường hàng không của doanh nghiệp. Nếu trên thị trường chỉ có một vài nhà cung cấp có quy mô lớn thì sẽ tạo áp lực trong việc đảm bảo nguồn cung, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, tạo dựng và giữ mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các công ty giao nhận trong vấn đề giảm chi phí đầu vào hay việc sử dụng dịch vụ có chất lượng.
2.3.1.5 Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh của công ty là bất cứ công ty nào khác có mục đích thu hút cùng một đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp cũng muốn thu hút. Điều này có
nghĩa là phải xem xét cả những công ty cung cấp dịch vụ thay thế cho dịch vụ của doanh nghiệp. Ngành dịch vụ giao nhận vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đường hàng không có số lượng đối thủ cạnh tranh cả hiện tại và tiềm năng lớn. Vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải có những chiến lược cạnh tranh hiệu quả, kịp thời so với các đối thủ cạnh tranh đề giành lợi thế về phía mình.
2.3.1.6 Trình độ phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thông tin
Đa số các công ty giao nhận của Việt Nam đều có nguồn vốn hạn chế đẫn đến khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phương tiện kỹ thuật chủ yếu phải đi thuê, mượn làm cho chi phí phải trả rất lớn, lợi nhuận giảm. Kinh doanh dịch vụ giao nhận không thể không nói tới vai trò của công nghệ thông tin, bởi lẽ đây là đặc thù của ngành. Mọi hoạt động của ngành: tìm kiếm khách hàng, liên lạc hãng tàu không thể không thông qua công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin hiện đại sẽ là ưu thế cạnh tranh của công ty. Do đó việc trang bị các phương tiện kỹ thuật cao, phục vụ cho việc tìm kiếm, truyền tải, bảo mật thông tin là rất cần thiết.