Chu trình các bước áp dụng tính toán

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm định hướng chuyển nước liên vùng, liên lưu vực sông khu vực tây nguyên và nam trung bộ (Trang 83 - 87)

6. Bố cục của luận án

2.3.2Chu trình các bước áp dụng tính toán

Trên cơ sở tổng hợp các chỉ số tính toán đánh giá các hệ thống chuyển nước, các phân tích về nguyên lý điều hoà phân bổ nguồn nước và điều kiện về công cụ và số liệu hiện có trong khu vực. Nghiên cứu đề xuất việc xác định khả năng điều hoà phân bổ nguồn nước trong phân vùng và giữa các phân vùng với 06 bước áp dụng bộ chỉ số như sau:

Bước 1. Xác định mức độ thiếu

Trên cơ sở bộ công cụ cân bằng nước, dựa trên các chỉ số I1, I3 để xác định được chỉ số thiếu nước và thời gian thiếu nước theo từng tháng tại mỗi phân vùng theo từng kịch bản.

Xác định tần suất thiếu nước:

(1). Nếu chỉ số I1 nhỏ hơn 5% (tương đương mức đảm bảo cấp nước lớn hơn 95%) thì coi như không thiếu nước.

(2). Nếu chỉ số I1 trong khoảng 10÷15% (tương đương mức đảm bảo cấp nước 85% ÷ 95%) là thiếu nước cấp cho dân sinh và công nghiệp.

(3). Nếu chỉ số I1 lớn hơn 15% (tương đương mức đảm bảo cấp nước nhỏ hơn 85%) thì coi như thiếu nước ở tất cả các ngành.

Xác định mức độ thiếu nước:

(1). Nếu chỉ số I2 < 0 được xác định là thiếu nước (2). Chỉ số I1 càng thấp thì thiếu nước càng nặng.

Bước 2. Xác định ngành, lĩnh vực thiếu nước

Tính toán cân bằng nước nhằm xác định được các ngành sử dụng nước bị thiếu nước: Thường chủ yếu là ngành nông nghiệp và môi trường (chỉ số I3).

Xác định mức độ ưu tiên đối với ngành thiếu: Ưu tiên giải pháp để đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, sản xuất và môi trường theo quy định.

Xác định mức độ ưu tiên đối với giai đoạn thiếu nước: Thiếu nước kéo dài cần được ưu tiên đề xuất tái điều hoà phân bổ nhiều hơn so với các vùng có thời đoạn thiếu nước ngắn hơn.

Bước 3. Xác định lượng nước thừa có khả năng phân bổ

Xác định được lượng nước thừa với mức đảm bảo 85% tại mỗi vùng và các vùng phụ cận theo mỗi kịch bản (chỉ số I4).

Chỉ số I4 xác định lượng nước thừa với mức đảm bảo 85% có thể sử dụng để điều hoà phân bổ nội vùng hoặc điều hoà phân bổ sang các vùng phụ cận bằng các giải pháp công trình (kết hợp với các đánh giá theo các chỉ số I5 và I6).

Ưu tiên điều hoà phân bổ: Ưu tiên điều hoà phân bổ nội vùng nếu trong vùng vẫn được xác định là thiếu nước như ở bước 1, khi và chỉ khi không khả thi trong việc phân bổ cho nội vùng (đang bị thiếu nước) thì mới điều hoà phân bổ sang các vùng phụ cận.

Bước 4. Xác định mức độ đáp ứng tại chỗ trong tương lai

Rà soát các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch thuỷ lợi và các quy hoạch có liên quan đến nguồn nước đã được phê duyệt trong mỗi vùng, xác định khả năng phát triển các công trình cấp nước mới ở các mức độ: Thấp, trung bình, cao (chỉ số I5).

Trong trường hợp thừa hoặc thiếu nước đều phải rà soát lại:

Thực tiễn cấp nước nội vùng: Cần phân tích đánh giá nhu cầu sử dụng nước thực tế; tổng dung tích trữ hiện có và tình trạng thiếu nước trong vùng để làm rõ nguyên nhân thừa thiếu nước làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp.

Thực tiễn điều hoà chuyển nước liên vùng: Cần làm rõ công trình chuyển nước đã có hay chưa có, có hiệu quả hay không để đề xuất các giải pháp phù hợp.

Quy hoạch các giải pháp đã có và tiềm năng: Đánh giá giải pháp bổ sung dung tích trữ, điều tiết đã được quy hoạch phê duyệt cũng như rà soát lại các điều kiện và khả năng phát triển thêm việc bổ sung nguồn nước mới.

Lưu ý rằng từ bước này trở đi, việc phân tích, đánh giá đòi hỏi sự hiểu biết rộng lớn của người hoặc nhóm phân tích, quá trình này cần thiết phải có sự tham vấn rộng rãi các kết quả đánh giá trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Bước 5. Tính toán điều hoà phân bổ nước và giải pháp cho hoặc nhận nước

Tính toán cân đối nguồn nước để điều hoà chuyển nước nội vùng, liên vùng và kiểm tra tính khả thi (điều kiện đủ) của các đề xuất các giải pháp kỹ thuật (hồ, đập, đường ống, điều tiết …) để điều hoà chuyển nước (chỉ số I6).

Dựa trên kết quả phân tích các chỉ số từ I1 đến I4 ở các bước, tại bước này đề xuất các giải pháp nhằm điều hoà phân bổ nguồn nước nội vùng và liên vùng, có nhiều mức độ đề xuất giải pháp có thể được phân thành 2 loại chính như sau:

Giải pháp mang tính định hướng: Đề xuất các giải pháp dựa trên các tài liệu phân tích tổng quan mà không đòi hỏi các khảo sát đo đạc chi tiết bổ sung, với giải pháp này khi đưa vào quy hoạch ngành cần phải khảo sát chi tiết để định lượng theo các quy chuẩn quy phạm hiện hành. Trong khuôn khổ nghiên cứu của Luận án chỉ tập trung đề xuất định hướng giải pháp dạng này.

Giải pháp kỹ thuật chi tiết: Trên cơ sở các giải pháp định hướng, dựa trên tính cấp bách, nhu cầu đầu tư xây dựng trong ngắn hạn thì thu thập bổ sung tài liệu để đề xuất giải pháp chi tiết. Đối với giải pháp dạng này có thể lồng ghép ngay được vào quy hoạch ngành và triển khai thực hiện ở các bước tiếp theo.

Bước 6. Tính toán kiểm tra tính khả thi của đề xuất

Tính toán lặp lại cân bằng nước để xác định bộ chỉ số I1, I2, I3, I4 nhằm kết luận về tính khả thi của giải pháp đề xuất. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Các giải pháp đề xuất đều phải được tính toán kiểm tra lại theo các bước nêu trên để đảm bảo các giải pháp là hiệu quả.

Riêng đối với các giải pháp chuyển nước liên vùng liên lưu vực sông cần phải kiểm tra theo các tiêu chí từ C1-C5 được trình bày trong mục 2.1 về bộ tiêu chí đánh giá tác động và hiệu quả các công trình chuyển nước.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm định hướng chuyển nước liên vùng, liên lưu vực sông khu vực tây nguyên và nam trung bộ (Trang 83 - 87)