c. Các chỉ tiêu liên quan đến giá trị xuất khẩu
3.1. Bối cảnh và diễn biến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài 1 Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
3.1.1. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực nhận được FDI luồng vào (FDI inflows) lớn nhất trên thế giới. Vào năm 2013, lượng FDI đầu tư vào khu vực này đạt 549 tỉ USD, chiếm 37,8% FDI toàn thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng FDI lại chỉ ở mức 6,6% năm 2013, thấp hơn mức trung bình toàn cầu và kém xa khu vực Châu Mỹ La-tinh (14,2%). Ở chiều hướng ngược lại, FDI luồng ra (FDI outflows) từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại ghi nhận sự tiến bộ khi đạt được mức tăng trưởng 15,1% vào năm 2013.
Xét ở cấp độ tiểu vùng, Đông Á và Đông Bắc Á có mức tăng trưởng FDI luồng vào lớn nhất (36%), so với 2,3% của Đông Á và Đông Bắc Á, 6,7% của Đông Nam Á, 6% của Nam Á và Tây Nam Á. Tuy nhiên, Đông Nam Á mới chính là tiểu vùng có quá trình tăng trưởng ổn định nhất khi liên tục tăng kể từ năm 2009. Bên cạnh tính bền vững trong tăng trưởng, Đông Nam Á còn sở hữu giá trị tuyệt đối FDI luồng vào ấn tượng: 125 tỉ USD vào năm 2013, chiếm ¼ tổng FDI luồng vào toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ xếp sau khu vực Đông Á – Đông Bắc Á (221 tỉ USD).
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là nước có sức hút FDI vượt trội khi lượng FDI đầu tư vào quốc gia này khi chiếm đến một nửa tổng lượng toàn vùng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng FDI của Singapore (4,3%) lại thua kém nhiều nước khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan (đều khoảng 20%). Mặc dù có sự khác biệt trong giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng, điểm chung là hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có sự tiến bộ và đạt được sự ổn định trong thu hút FDI.
Trong khi đó, FDI luồng ra từ Đông Nam Á còn khá hạn chế và tăng trưởng không đánng kể (4,7% năm 2013). Phần lớn FDI luồng ra của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được thực hiện bởi khu vực Bắc Á và Trung Á, nơi có sự xuất hiện của một nền kinh tế mạnh là Liên Bang Nga.
Một số diễn biến đáng chú ý:
− Xu hướng phát triển của đầu tư mới và M&A: Nhìn chung, đầu tư mới hiện tại là hình thức FDI chủ đạo, nhưng M&A đang vươn lên và có vai trò ngày càng quan trọng. Từ năm 2004 đến 2013, tổng giá trị FDI đầu tư mới đạt khoảng 3 nghìn tỷ USD, gấp đôi giá trị FDI M&A (1,4 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, hình thức M&A lại ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là ở nhóm các nước đang phát triển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (tăng 18,4%). Trong khi đó đầu tư mới lại phải chịu tăng trưởng âm 42% trong năm 2013.
− FDI giữa các nước trong khu vực (Intraregional FDI): Tại Châu Á – Thái Bình Dương, việc chủ đầu tư đến từ chính các quốc gia trong khu vực đang trở thành xu thế chủ đạo, thay thế nguồn FDI “truyền thống” đến từ Mỹ và các nước Châu Âu. Trong giai đoạn 2011-2013, FDI giữa các nước trong khu vực đã chạm ngưỡng 336 tỉ USD. Với lợi thế nguồn lao động dồi dào với giá thành rẻ, Đông Nam Á chính là tiểu vùng thu hút được nhiều FDI hình thức này nhất với 99 tỉ USD cho đầu tư mới và 22,5 tỉ USD cho M&A (UNESCAP, 2014).
3.1.2. Việt Nam
Nằm trong khu vực có hoạt động FDI diễn ra rất năng động và sôi nổi là Châu Á – Thái Bình Dương, cụ thể hơn nữa là tiểu vùng Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển FDI. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, công tác cải thiện môi trường đầu tư cũng như thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
AT Kearney (2014), trong báo cáo thường niên chỉ số niềm tin FDI (FDI confidence index), cho thấy Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất bị đánh tụt hạng: từ vị trí 12 năm 2010 xuống vị trí 14 năm 2011 và rớt khỏi tốp 25 vào năm 2014. Trong khi đó, các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia đều có sự tiến bộ rõ rệt, lần lượt xếp thứ 9, 15, 25 trong năm 2014. Tương tự, theo kết quả của cuộc điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI – Business Climate Index) của Phòng Thương Mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được thực hiện vào thàng 7 năm 2012, mức độ lạc quan kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam lần đã đầu tiên giảm xuống dưới mức trung bình (50 điểm). Điều đó cho thấy các doanh nghiệp FDI đang dần mất đi sự kiên nhẫn; đồng thời
nhấn mạnh tính cấp thiết của việc Việt Nam cần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh và sức thu hút với tư cách là một điểm đến kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2013).
Mặt tích cực là Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ kể trên nếu biết đón đầu và tận dụng làn sóng thay đổi mang tính đột phá sắp diễn ra trong thời gian tới. Bước sang năm 2014 – 2015, thu hút FDI sẽ có nhiều thuận lợi hơn nhờ kinh tế thế giới được dự báo sẽ khởi sắc (World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm 2014 – 2015 tương ứng là 3% và 3,3%, cao hơn mức 2,2% trong năm 2013). Bên cạnh đó, việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU, và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra triển vọng về thu hút FDI vào Việt Nam (Ngọc Thảo, 2014). Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) dự báo Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ việc ký kết hiệp định TPP bởi tiềm năng tăng trưởng về xuất khẩu cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác. Trong khi đó, Eurocham tin tưởng khi FTA Việt Nam – EU được ký kết, FDI của EU vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về số lượng lẫn chất lượng bởi các doanh nghiệp châu Âu ngày càng nhìn nhận Việt Nam như cửa ngõ vào ASEAN hoặc thậm chí là trụ sở chính từ đó họ có thể phục vụ hiệu quả thị trường ASEAN và các nước làng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2013).
Mặc dù vậy, cơ hội luôn đi cùng với thách thức, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng không phải là một ngoại lệ. Khó khăn đầu tiên Việt Nam phải đối mặt khi trở thành thành viên của TPP chính là phải đáp ứng được các quy tắc xuất xứ đang được đàm phán; ví dụ, Mỹ yêu cầu nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm dệt may xuất sang Mỹ phải có nguồn gốc từ Mỹ hoặc từ các nước trong khối TPP, trong khi phần lớn nguyên liệu mà các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện nay sử dụng nguyên được nhập khẩu từ Trung Quốc (một quốc gia không phải là thành viên tham gia đàm phán TPP). Bài toán này chỉ có thể được giải bởi “công cụ” công nghiệp hỗ trợ, một yếu tố còn rất thiếu và rất yếu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động của Việt Nam cũng có nguy cơ suy giảm đáng kể trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ tạo điều kiện cho tự do di chuyển lao động giữa các nước trong khu vực, khiến cho cạnh tranh về lao động càng trở nên gay gắt. Chi tiết hơn, “Điều tra thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp
Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương” của JETRO đã cho thấy tiền lương lao động của Việt Nam, dù hiện tại vẫn ở mức khá thấp so với tiền lương lao động của các nước như Trung Quốc hay Thái Lan, nhưng lại đang có tốc độ tăng lương cao hơn các nước khác đến 16,8%. Bên cạnh đó, AmCham cũng nêu ra rằng quy định về làm thêm giờ và nghỉ thai sản chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khiến lao động Việt Nam đang dần trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2013).
Không chỉ riêng đối với công nghiệp hỗ trợ hay lao động, Việt Nam phải nỗ lực cải thiện tất cả các khía cạnh liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dự kiến, sắp tới sẽ có nhiều sửa đổi và bổ sung đối với các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Các công tác xúc tiến, hỗ trợ, thanh kiểm tra hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chắc chắn cũng sẽ xuất hiện những điểm mới mà cả phía thực hiện đầu tư lẫn phía tiếp nhận đầu tư cần chú ý theo dõi, nắm bắt và thay đổi, thích ứng cho phù hợp.