Đối với địa phương

Một phần của tài liệu Tình Hình Thu Hút Và Hiệu Quả Sử Dụng Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Trên Địa Bàn Tỉnh Nghệ An (Trang 83 - 86)

c. Các chỉ tiêu liên quan đến giá trị xuất khẩu

3.3.8.2.Đối với địa phương

UBND tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo quyết liệt các Sở, Ban, Ngành triển khai thực hiện các Quyết định của Chính phủ, các Quyết định của UBND tỉnh liên quan đến hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng. UBND các huyện, thành, thị phải đẩy mạnh cải cách hành chính ở cơ quan, đơn vị mình; chỉ đạo sát sao công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án FDI; tăng cường thu thập thông tin, quản lý dữ liệu đầu tư và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt vai trò chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các Đề án về cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường xúc tiến thu hút FDI. Theo đó, cần nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên quan đến công tác thu hút và quản lý FDI trên địa bàn; đánh giá kết quả việc thực hiện cơ chế “một cửa”, tinh gọn thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư; kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh chấm dứt doạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án FDI không triển khai hoặc triển khai quá chậm làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và giảm hiệu quả sử dụng đất.

Sở Xây dựng cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch đô thị; lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư,

chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, đôn đốc triển khai các dự án FDI thuộc lĩnh vực quản lý (xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, dự án đô thị…); kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nâng cao Chỉ số tiếp cận đất đai.

Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và công bố rộng rãi quy hoạch sử dụng đất của tỉnh theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn đất đai; đảm bảo liên kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý đối với các dự án FDI vi phạm quy định của pháp luật về đất đai và môi trường; đề xuất cơ chế giám sát, kiểm tra các dự án FDI có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quá giới hạn.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, quan tâm đến chế độ, quyền lợi của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI nói riêng và các doanh nghiệp nói chung; chịu trách nhiệm chính trong việc nâng cao chỉ số đào tạo lao động; nghiên cứu, tham mưu sửa đổi bổ sung quy định về hỗ trợ đào tạo nghề đối với các doanh nghiệp FDI, hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động.

Sở Thông tin và truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy nhanh cải thiện Chỉ số minh bạch trong tiếp cận thông tin của địa phương; hoàn thiện chính quyền điện tử, duy trì có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Các Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch… chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục, triển khai các dự án vận động, xúc tiến đầu tư do ngành phụ trách.

KẾT LUẬN

Nhận thức được sức mạnh và tiềm năng của FDI, Nghệ An xác định đây sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chủ đạo của tỉnh nhà. Nhằm củng cố căn cứ khoa học cho công tác tiếp nhận và sử dụng FDI, Nghệ An cần thêm nhiều hơn nữa các nghiên cứu tổng quát lẫn chuyên sâu về loại hình đầu tư này. Đáp ứng một phần nhu cầu đó, đề tài “Tình hình thu hút và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An” đã đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã làm rõ những nội dung sau đây:

Thứ nhất, có thể khẳng định Nghệ An là địa phương giàu tiềm năng và hội tụ đủ yếu tố để trở thành môi trường đầu tư lý tưởng cho FDI. Việc địa phương xác lập vị thế của FDI như một mũi đột phá quan trọng trong tăng trưởng kinh tế là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thời đại.

Thứ hai, mặc dù đã có những tiến bộ nhất định, hoạt động thu hút và sử dụng FDI tại Nghệ An vẫn chưa đạt được hiệu quả cao: số lượng dự án ít, quy mô dự án nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất chưa cao, tốc độ tăng trưởng thiếu ổn định, đóng góp của khu vực FDI cho toàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, yếu tố mang tính mấu chốt trong hoạt động thu hút và sử dụng FDI là chính sách. Chỉ có chính sách hợp lý, đúng đắn, đồng bộ mới có thể khắc phục được bất lợi, tận dụng được lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của địa phương, từ đó tăng cường thu hút và đảm bảo hiệu quả hoạt động của các dự án FDI.

Thứ tư, dựa trên đặc điểm đặc thù của địa phương, kết hợp với quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh nhà, đề tài đã đưa ra 7 giải pháp và các khuyến nghị nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng FDI tại Nghệ An trong thời gian tới. Do một số hạn chế, chủ yếu liên quan đến sự đầy đủ của số liệu, đề tài chưa thể tính toán các chỉ tiêu hiệu quả môi trường của khu vực FDI tại Nghệ An. Dự kiến, khi đã tập hợp được các điều kiện cần thiết, đề tài sẽ tiếp tục được phát triển bằng việc mở rộng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả và có thể áp dụng mô hình kinh tế lượng vào nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Tình Hình Thu Hút Và Hiệu Quả Sử Dụng Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Trên Địa Bàn Tỉnh Nghệ An (Trang 83 - 86)