c. Các chỉ tiêu liên quan đến giá trị xuất khẩu
3.2.3. Định hướng thu hút và sử dụng FDI tại Nghệ An trong thời gian tớ
Quan điểm về thu hút vốn FDI
Thực hiện chương trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Nghệ An đã xác định thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Đặt trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế toàn quốc khiến cho đầu tư công ngày càng bị cắt giảm, dòng vốn từ khu vực tư nhân cả trong nước lẫn ngoài nước càng có vai trò đặc biệt quan trọng; do đó, công tác tăng cường thu hút đầu tư chính là ưu tiên, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ cải thiện môi trường đầu tư vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng, cấp thiết hàng đầu để thu hút đầu tư, theo đó: “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ và có giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.”
Định hướng cụ thể đối với thu hút và sử dụng vốn FDI
Tập trung mọi nguồn lực của nhà nước, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho thu hút đầu tư, chú trọng vào các dự án: cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi; Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ của VSIP thuộc khu kinh tế Đông Nam; dịch vụ vận tải biển, vận tải container; các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; bến xe, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe; xử lý chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, nước thải, nhất là cho các KCN, cụm CN và các đô thị.
o Định hướng ngành, lĩnh vực
Công nghiệp – xây dựng: Kết hợp phát triển công nghiệp truyền thống với công nghiệp hiện đại. Công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt sản xuất các sản phẩm, hàng hóa nắm trong hiệp định TPP. Trong đó, tập trung ưu tiên các lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông; sản xuất vật liệu mới, thiết bị tự động hóa, công nghệ sinh học; dược liệu; dệt may, da giày; hàng thủ công mỹ nghệ; các dự án công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở hạ tầng.
Dịch vụ: Các trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn, có thương hiệu; ưu tiên các nhà đầu tư có hệ thống kinh doanh trên cả nước và quốc tế. Các loại hình thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc y tế, tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, bưu chính viễn thông. Đặc biệt khuyến khích phát triển các doanh nghiệp du lịch.
Nông nghiệp: Tập trung vào thực hiện các dự án vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với chiến lược phát triển ngành. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản có chất lượng cao, khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
o Định hướng địa bàn trọng điểm
Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An gắn liền với thành phố Vinh; thị xã Cửa Lò gắn với vùng Nam Nghệ - Bắc Hà: Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm sóc y tế hiện đại, tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, công nghiệp
sạch, sử dụng công nghệ cao. Thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam theo hướng khu kinh tế đa ngành, đa chức năng, ưu tiên các dự án công nghệ sinh học, sản xuất dược liệu, lắp ráp điện tử.
Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi gắn với vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ:
Tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp động lực: xi măng, nhiệt điện, luyện thép, công nghiệp cơ khí; đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi, hạ tầng các KCN Đông Hồi, Hoàng Mai.
Khu vực miền Tây Nghệ An: Thu hút đầu tư chăn nuôi gia súc, cây công nghiệp và chế biến nông lâm sản: mía, cao su, chè, chế biến hoa quả, chế biến thịt, sữa. Tiếp tục triển khai các dự án thủy điện, xi măng, vật liệu xây dựng, khoáng sản; sản xuất dược liệu. Xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN tập trung, KCN nhỏ, cụm công nghiệp trong vùng.
o Định hướng lựa chọn đối tác tìm kiếm, xúc tiến đầu tư
Tỉnh Nghệ An ưu tiên lựa chọn các đối tác có năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài như các tập đoàn, tổng công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; các nước sở hữu công nghệ nguồn thuộc nhóm G7 bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Nga, Brazil…
o Định hướng về hiệu quả kinh tế xã hội của dự án đầu tư
Việc thu hút các dự án đầu tư phải đảm bảo xem xét đến các tiêu chí sau: (1) Tạo viện làm và thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. (2) Tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, tăng thu ngân sách. (3) Bảo vệ môi trường, sử dụng ít diện tích đất, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. (4) Có tác động lan tỏa tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung như: tạo cơ hội hợp tác, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ hoạt động kỹ thuật và chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. (5) Đảm bảo củng cố và giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.